Thị trường “vàng đen” bấp bênh do xung đột giữa Israel và Hamas

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nếu lan ra toàn khu vực có thể dẫn đến cú sốc về giá đối với dầu mỏ và các sản phẩm nông nghiệp. Kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt “cú sốc kép” lần đầu trong nhiều thập niên qua và thị trường “vàng đen” sẽ rơi vào tình trạng bấp bênh, nếu các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine còn kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường “vàng đen” bấp bênh do xung đột giữa Israel và Hamas

Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định, tình hình chiến sự tại dải Gaza, căng thẳng Nga-Ukraine đang khiến xung đột trở thành cú sốc lớn nhất đối với các thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo Viễn cảnh thị trường hàng hóa của WB, giá dầu đã tăng 6% kể từ khi xung đột nổ ra tại dải Gaza, trong khi giá các mặt hàng nông nghiệp, phần lớn các kim loại và hàng hóa khác hầu như không biến động. Dựa trên lịch sử các cuộc xung đột khu vực từ những năm 1970, báo cáo của WB dự báo ba viễn cảnh, với mức độ nghiêm trọng tăng dần.

Trong viễn cảnh lạc quan với tác động tương tự cuộc nội chiến tại Libya năm 2011, giá dầu có thể tăng 3%-13% lên mức 93-102 USD/thùng. Với nguy cơ gián đoạn ở mức trung bình như giai đoạn chiến tranh tại Iraq năm 2003, giá dầu tăng lên 109-121 USD/thùng. Trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể đạt đỉnh 140-157 USD/thùng.

Thời gian qua, mức tăng giá dầu bị kìm lại, một phần do lượng dầu dự trữ của Mỹ cao hơn và triển vọng kinh tế châu Âu ảm đạm. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này tăng 1,4 triệu thùng trong tuần gần đây nhất, lên 421,1 triệu thùng. Theo ông Bob Yawger, người phụ trách mảng thị trường hợp đồng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho, số liệu từ EIA có thể đẩy giá dầu đi xuống.

Mức tăng giá dầu bị kìm lại, một phần do lượng dầu dự trữ của Mỹ cao hơn và triển vọng kinh tế châu Âu ảm đạm.

Thêm vào đó, số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, hoạt động cho vay của các ngân hàng trên toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như bế tắc vào tháng trước, càng khiến thị trường lo ngại. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy Eurozone có thể tiến gần đến suy thoái kinh tế, tác động tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Trong khi đó, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không có kế hoạch tổ chức cuộc họp bất thường, không có hành động khẩn cấp nào sau khi Iran kêu gọi các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) áp lệnh cấm giao dịch dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt đối với Israel cũng làm dịu lo ngại về xung đột ở Gaza hiện nay có thể tác động mạnh đến giá dầu. Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem al-Budaiwi nêu rõ, GCC cam kết bảo đảm an ninh năng lượng và không dùng dầu mỏ như “một thứ vũ khí”.

Điều này khiến thị trường khó có thể lặp lại kịch bản năm 1973, khi các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc cộng đồng Arab, dẫn đầu là Saudi Arabia, áp lệnh cấm dầu mỏ với các nước phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh với Ai Cập. Khi đó, giá dầu mỏ tăng, nhưng cũng dẫn tới việc phát triển những địa điểm sản xuất dầu mỏ khác bên ngoài Trung Đông như Biển Bắc và khuyến khích các loại năng lượng thay thế.

Thời điểm đó, các nước phương Tây là khách hàng chính mua dầu mỏ của các nước Arab, còn hiện nay, dầu mỏ của OPEC chủ yếu do các nước châu Á nhập khẩu. Lý giải về dự báo không có lệnh cấm dầu mỏ với Israel, một nguồn tin của OPEC cho biết, môi trường địa chính trị hiện nay đã khác so với 50 năm trước. Các nước sản xuất dầu mỏ hiện nay có thể đóng vai trò dẫn dắt trong việc ổn định thị trường toàn cầu bằng cách tăng sản lượng và đầu tư thúc đẩy sản xuất.

Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 30/10 đã giảm, chốt phiên ở mức 87,45 USD/thùng, do lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn khu vực Trung Đông phần nào lắng dịu. Song, nguy cơ biến động của tình hình xung đột vẫn có thể khiến giá dầu tăng mạnh trở lại bất cứ lúc nào. Theo các chuyên gia, giá dầu có thể biến động và tương lai thị trường “vàng đen” vẫn bất định. Nếu kịch bản “cú sốc giá dầu” trở thành hiện thực, lạm phát giá thực phẩm vốn đã tăng mạnh ở nhiều nước đang phát triển sẽ tiếp tục đi lên và nhiều nước đối mặt xu hướng lạm phát mới. Điều này sẽ “giáng đòn mạnh” vào triển vọng kinh tế toàn cầu.