Tạo thuận lợi cho người khuyết tật chữ in tiếp cận tri thức

Việt Nam có khoảng hơn một triệu người khuyết tật chữ in. Đây là một khái niệm mới để chỉ nhóm người khiếm thị, khuyết tật nhìn, khuyết tật nhận thức hoặc gặp khó khăn trong việc đọc chữ in và người khuyết tật vận động không thể lật giở trang sách…
0:00 / 0:00
0:00
Khóa tập huấn về sản xuất sách dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in.
Khóa tập huấn về sản xuất sách dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in.

Trong thời gian tới, số người mù và nhìn kém có xu hướng tăng do xu thế già hóa dân số, bệnh tật dẫn đến suy giảm thị lực. Hiện tại, nhu cầu tiếp cận tri thức, thông tin của nhóm người này đang gặp phải rào cản do tình trạng khan hiếm các tài liệu, xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận. Thực trạng này đang hạn chế cơ hội học tập, có việc làm, phát triển bản thân và hòa nhập cộng đồng của nhóm yếu thế này.

Thế giới có khoảng 300 triệu người khuyết tật chữ in, trong đó 90% sống tại các nước phát triển, nơi chỉ khoảng 1% ấn phẩm được chuyển sang các định dạng dễ tiếp cận như chữ nổi Braille, văn bản điện tử, chữ in khổ lớn, các bản ghi âm, sách nói, hình ảnh được chuyển đổi thành văn bản, lời nói được chuyển thành ngôn ngữ ký hiệu.

Tình trạng khan hiếm sách đi ngược lại tinh thần và nghĩa vụ quy định trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hầu hết các nhà xuất bản, thư viện ở Việt Nam chưa sẵn sàng chuyển hóa, cung cấp xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận với người khuyết tật chữ in. Chỉ có khoảng 7% số xuất bản phẩm đã công bố được chuyển đổi sang những định dạng dễ tiếp cận với người khuyết tật chữ in.

Theo các chuyên gia, tiếp cận tri thức thông qua xuất bản phẩm là quyền cơ bản của con người. Thế nhưng, tình trạng thiếu ấn phẩm ở định dạng dễ tiếp cận đang hạn chế quyền tiếp cận tri thức của người khuyết tật chữ in.

Trong quá trình chuyển đổi sách giáo khoa sang định dạng dễ tiếp cận cho nhóm trẻ khuyết tật chữ in từ 6 tuổi đến 11 tuổi, lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề bản quyền. Ngoài việc các nhà xuất bản từ chối cung cấp bản mềm, kinh phí in bộ sách cũng phải vận động, quyên góp các quỹ từ thiện.

Trong khi các quy định pháp luật bảo đảm quyền người khuyết tật được học tập phù hợp với khả năng thì việc thiếu sách giáo khoa, xuất bản phẩm ở các định dạng phù hợp đang là rào cản đối với việc tiếp cận tri thức của nhóm xã hội này. Bên cạnh đó, với những người cao tuổi, thị lực suy giảm, họ cũng mong muốn bên cạnh các xuất bản phẩm chữ in, cần có nhiều tài liệu chữ phóng to hoặc chuyển hóa ở định dạng âm thanh… để tiếp tục học tập, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy việc tạo chuỗi liên kết cung cấp xuất bản phẩm phù hợp cho những người khuyết tật chữ in đang là vấn đề cấp thiết. Hiệp ước Marrakesh ra đời năm 2013, quy định những trường hợp và ngoại lệ, cũng như giới hạn bản quyền giúp người khuyết tật chữ in chuyển sang định dạng dễ tiếp cận mà không cần xin phép tác giả, nhà xuất bản. Việt Nam gia nhập hiệp ước năm 2022 và đang trong quá trình tích cực để luật hóa thực thi hiệp ước.

Việc này sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận ấn phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in thông qua việc sử dụng các ngoại lệ về bản quyền, loại bỏ các rào cản đối với người khuyết tật, những người không có khả năng đọc chữ in, từ đó giúp họ tăng khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng và nâng cao cơ hội giáo dục và việc làm.

Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp cũng có những quy định riêng để người khuyết tật chữ in được thụ hưởng các những ngoại lệ bản quyền và đa dạng hóa các định dạng tiếp cận như Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022; Luật Xuất bản 2012 đề cập các hình thức xuất bản điện tử ở định dạng số, đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử; Luật Người khuyết tật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định 17/2023/NĐ-CP cũng quy định chi tiết thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành nhằm trợ giúp người khuyết tật tốt hơn.

Hệ thống pháp lý là vậy, nhưng vấn đề trước mắt hiện nay, thị trường xuất bản phẩm dành cho nhóm người này chưa mang lại hiệu quả kinh tế, cho nên nguồn tài liệu không phong phú, hoặc cũng chỉ được chuyển đổi một phần. Các thư viện đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật chữ in rất ít và đều gặp thách thức về định dạng tài liệu sách nói, chữ nổi phục vụ người khiếm thị.

Chính sách liên kết các nguồn xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận, đặc biệt tạo ra chuỗi liên kết thư viện nhằm giảm lãng phí nguồn lực chuyển đổi, phân phối và trợ giúp người khuyết tật chữ in tiếp cận dễ hơn xuất bản phẩm ở định dạng thích hợp còn liên quan đến tài nguyên số và tài liệu định dạng số.

Một lý do khác là hệ thống hạ tầng chưa phù hợp với nhóm người khiếm thị, vì vậy các thư viện cần phối hợp chặt chẽ với hội người mù ở các địa phương chủ động cung cấp tài liệu đến các chi hội người khiếm thị, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin.

Mặt khác, nguồn kinh phí bổ sung tài liệu cho thư viện công cộng rất hạn hẹp, cho nên các nhóm tài liệu về chữa lành tâm lý, nghệ thuật, âm nhạc, văn học chưa có các định dạng phù hợp.

Để hỗ trợ những người khuyết tật, trong đó có khuyết tật chữ in, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có Điều 37 (3) quy định xử phạt liên quan tới các ngoại lệ bản quyền cho người khuyết tật. Nghị định được ban hành sẽ tạo các điều kiện thuận lợi giúp người khuyết tật chữ in dễ dàng tiếp cận hơn các xuất bản phẩm.

Để đa dạng hóa những xuất bản phẩm đặc thù này, cần có những quy định pháp lý để các nhà xuất bản có trách nhiệm cung cấp một tỷ lệ nhất định các xuất bản phẩm ở định dạng tiếp cận phù hợp cho người khuyết tật chữ in, cũng như cần có điều khoản cụ thể về hỗ trợ tài chính cho nhà xuất bản để sản xuất các định dạng thích hợp.

Ngoài ra, sớm có các chính sách khuyến khích các tổ chức giáo dục xã hội, nghề nghiệp, nhà xuất bản, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xuất bản phẩm ở định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in hiện nay…