Đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chương trình kỳ họp, nội dung này đã và đang được đông đảo cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Qua việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự ghi nhận, đánh giá công bằng của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Thực hiện quyền giám sát
Sau thủ tục thành lập Ban Kiểm phiếu, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín; và ngay chiều hôm nay, Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu và theo dự kiến chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung lấy phiếu tín nhiệm chiều 24/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm trước kỳ họp gửi đến từng đại biểu Quốc hội, qua lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình.
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Với tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, “từ sớm, từ xa”, ngày 18/8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 597/KH-UBTVQH15 để triển khai công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6; đồng thời, gửi Công văn số 599 đến Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2023/QH15 trong công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Sau khi Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi công văn đến người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để chuẩn bị báo cáo kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ tới nay và Bản kê khai tài sản thu nhập, bảo đảm đúng yêu cầu và thời hạn theo quy định tại Nghị quyết số 96 nói trên.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm chiều 24-10. |
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết: Quy trình kiểm phiếu bằng máy do Viện Khoa học Công nghệ quân sự, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) phối hợp thực hiện giống như Trung ương Đảng đã kiểm phiếu đối với các đồng chí lấy phiếu tín nhiệm tại Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Có thể nói, công nghệ kiểm phiếu bằng máy bảo đảm chính xác tuyệt đối, bảo mật tốt, tốc độ nhanh sẽ đáp ứng yêu cầu cả về mặt thời gian trong việc kiểm phiếu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ được tiến hành, thực hiện với quy trình, quy định chặt chẽ và thực hiện một cách khoa học, bảo đảm khách quan, thận trọng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống chính trị.
Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị quy định ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Cá nhân bị xem xét miễn nhiệm khi tỷ lệ phiếu đánh giá tín nhiệm thấp từ hai phần ba tổng số phiếu trở lên hoặc đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm khi tỷ lệ phiếu đánh giá tín nhiệm thấp từ quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu. Và khi bỏ phiếu tín nhiệm thì chỉ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được quy định rất cụ thể khi người được lấy phiếu tín nhiệm có tỷ lệ phiếu “đánh giá tín nhiệm thấp” cao thì sẽ có các hệ quả khác nhau.
Điểm đặc biệt quan trọng tại Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn lần này quy định cụ thể, rõ ràng về hệ quả của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Quy định hệ quả của người được lấy phiếu tín nhiệm
Tại lần lấy phiếu này, theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 96/2023/QH15 đã có sự thay đổi về hệ quả của người được lấy phiếu tín nhiệm, theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Quy định này đã góp phần bảo đảm tính hiệu quả và nâng cao vai trò của công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Với tinh thần đó, Nghị quyết số 96 của Quốc hội nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang nhiệm vụ.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Tiếp nối những kết quả quan trọng về tổ chức và hoạt động các nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội khóa XV không chỉ thực hiện quyền lập pháp mà còn thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, thực hiện sự ủy quyền của nhân dân để giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, từ đó, có các chính sách hợp lý trong công tác quản lý, sử dụng, quy hoạch và đào tạo cán bộ.
Có thể thấy, việc đánh giá cán bộ theo hai cấp độ là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện một cách thận trọng, khách quan và khoa học, bảo đảm việc đánh giá của các đại biểu Quốc hội được chặt chẽ, chính xác.Những kinh nghiệm này cũng được tổng kết ở ba lần lấy phiếu trước đây của Quốc hội khóa XIII và khóa XIV.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Mặt khác, thực hiện đạt kết quả cao phương thức này giúp kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.thông qua nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ cấp cao do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả mang lại sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Khoản 6 Điều 19, Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội quy định kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua.