Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So

NDO - Trong vòng 10 năm chiến tranh chống Mỹ (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So (A Lưới) - nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học. Sau 3 năm triển khai, dự án “Xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay A So” đã khẳng định nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh; mang lại nhiều ý nghĩa về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
0:00 / 0:00
0:00
Binh chủng hóa học, Bộ Quốc phòng ký kết bàn giao đất sạch cho lãnh đạo huyện A Lưới.
Binh chủng hóa học, Bộ Quốc phòng ký kết bàn giao đất sạch cho lãnh đạo huyện A Lưới.

Ngày 24/10, tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng long trọng tổ chức Lễ Công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (thuộc huyện A Lưới).

Tham dự lễ công bố có các đồng chí: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thừa Thiên Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng chính quyền và bà con nhân dân xã Đông Sơn, huyện A Lưới.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 1

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương tham dự tại lễ công bố.

Trên 38.700 m3 đất nhiễm dioxin được xử lý sinh học

A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên hơn 1 nghìn km2. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… tạo nên sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hoá truyền thống. Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hoá học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền trung Việt Nam.

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng hóa học - Bộ Quốc phòng cho biết: Nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, ngày 30/3/2020, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1025/QĐ-BQP ngày 30/3/2020 về việc phê duyệt dự án: “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” giao trực tiếp cho Binh chủng hóa học chủ trì thực hiện dự án.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 2

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao đổi với đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam cùng các đại biểu dự lễ.

Theo đó, Binh chủng hóa học đã thành lập Ban Quản lý dự án: “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao cho Trung tâm Hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (Naccet) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ cho dự án để đưa vào áp dụng cho dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So. Dự án được khởi công từ năm 2020, qua 3 năm triển khai, đến nay dự án đã thực hiện xử lý xong 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và thực hiện xong, xử lý 1 luống bằng phương pháp phân huỷ sinh học.

Tổng khối lượng 38.718 m3 đất nhiễm, trong đó xử lý sinh học: 6.500m3, xử lý chôn lấp cô lập: 32.218 m3; tổng diện tích: 9,35ha, khu A: 4,12ha, khu B: 5,23ha. Hiện nay, đã tiến hành hoàn thổ và trồng cây trên diện tích đất khu B (5,23ha), san mặt bằng hố chôn dự án tại khu A của dự án theo đúng tiến độ đề ra và bàn giao đất sạch cho địa phương,

Tổng khối lượng 38.718 m3 đất nhiễm, trong đó xử lý sinh học: 6.500m3, xử lý chôn lấp cô lập: 32.218 m3; tổng diện tích: 9,35ha, khu A: 4,12ha, khu B: 5,23ha.

Với tổng kinh phí 74 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dự án đã tiến hành rà phá bom mìn đối với diện tích hơn 9 ha tại sân bay A So; tiến hành thu gom, xử lý 38.718 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin. Đặc biệt, với công nghệ chôn lấp cô lập do Viện Hóa học môi trường quân sự nghiên cứu, dự án đã ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chuyển giao để xử lý triệt để đất ô nhiễm nặng.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 3

Khu vực hoàn thành xử lý hiện trường được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn.

Thiếu tướng Hà Văn Cử nhấn mạnh: “Qua phân tích, đánh giá, Naccet đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập kết hợp công nghệ xử lý bằng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất nhiễm chất độc da cam dioxin tại Sân bay A So phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét về khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam trong xử lý dioxin nói riêng và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh nói chung”.

Tư lệnh Binh chủng hóa học cho biết thêm, công nghệ chôn lấp, cô lập đã từng được Bộ Tư lệnh hoá học thực hiện trong một số dự án tại sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Biên Hoà (Đồng Nai)… đã mang lại kết quả tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

“Việc triển khai thực hiện dự án “Xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay A So” sẽ tiếp tục khẳng định những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án được đánh giá sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng cho tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của khúc ruột miền Trung”, Thiếu tướng Hà Văn Cử nói.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 4
Các đại biểu thực hiện nghi thức lễ công bố.

Từ sau chiến tranh đến nay, đã có một số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Các kết quả khảo sát cho thấy: đã cơ bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So, nếu lấy mục tiêu xử lý là 40 ppt (đất trồng cây hàng năm theo QCVN 45:2012/BTNMT) thì diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000 m3. Trong đó, có khoảng 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt. Ngoài ra, trong quá trình tẩy độc dioxin tại sân bay A So đã phát hiện thêm khoảng 3.700 mét khối đất nhiễm dioxin cần xử lý.

Dấu mốc lớn có ý nghĩa quan trọng

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương khẳng định, việc hoàn thành dự án là một dấu mốc lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ một điểm nóng ô nhiễm với chất độc vô cùng độc hại, nguy hiểm, kể từ hôm nay sân bay A So đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn, loại bỏ hoàn toàn tác động nguy hiểm của dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái, giúp ổn định đời sống và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

"Điều này, càng đặc biệt có ý nghĩa đối với A So là một vùng sâu, giáp biên giới, người dân chủ yếu là đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Kết quả dự án cũng là sự tri ân của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với nhân dân và vùng đất cách mạng hết mực anh dũng, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 5
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương phát biểu tại buổi lễ.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh và nhân dân khu vực dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Quý Phương trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tạo mọi điều kiện hoàn thành dự án. Cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, sự hỗ trợ to lớn và rất kịp thời của các Bộ, ngành, chủ đầu tư Binh chủng hóa học và Trung tâm Hành động quốc gia NACCET và Viện Hóa học Môi trường quân sự đã hoàn thành các mục tiêu của dự án, đảm bảo tuyệt đối an toàn, đúng tiến độ.

Qua đó, đã phát huy xuất sắc phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới và ngày càng làm sáng rõ hơn vai trò, sứ mệnh quan trọng của Bộ đội Hóa học trong xử lý chất độc, khắc phục hậu quả chiến tranh. Kết quả dự án chính là chiến công, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Bộ đội Hóa học.

Tại buổi lễ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, chiến tranh đã lùi xa nhưng để lại hậu quả rất nặng nề cho con người và môi trường với nhiều điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó sân bay A So, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong những điểm ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 6

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh: "Việc hoàn thành dự án này là một dấu mốc lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng".

Sau khi kết thúc chiến tranh, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu là vấn đề nóng luôn được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Các nhiệm vụ điều tra khảo sát, nghiên cứu công nghệ, khoanh vùng, tẩy độc, xử lý ô nhiễm được các cơ quan tích cực triển khai nhằm loại bỏ tác động nguy hiểm của chất độc, phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương mang tính nhân văn và nhân đạo sâu sắc đó, dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng và phê duyệt. Binh chủng Hóa học là chủ đầu tư dự án, Trung tâm Hành động Quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường quân sự là lực lượng trực tiếp triển khai thực hiện. Đây là một trong những sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa, hiện thực hóa Quyết định 2215/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 7

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án.

Theo Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sau gần 3 năm tổ chức triển khai dự án, chủ đầu tư và đơn vị thực hiện đã hoàn thành xử lý an toàn, triệt để toàn bộ 38.718 m3 đất và trầm tích ô nhiễm chất độc hóa học dioxin bằng giải pháp chôn lấp cô lập kết hợp với công nghệ sinh học.

Việc hoàn thành dự án này là một dấu mốc lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, sau thời gian dài thực hiện đánh giá, khảo sát và nghiên cứu công nghệ xử lý phù hợp, toàn bộ khối lượng ô nhiễm đã được thu gom, xử lý an toàn.

Thứ hai, cùng với công nghệ chôn lấp cô lập do Viện Hóa học môi trường quân sự nghiên cứu và hoàn thiện, dự án đã ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học do Viện công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam chuyển giao để xử lý triệt để đất ô nhiễm nặng.

Thứ ba, cùng với các dự án tẩy độc dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm do Hoa Kỳ tài trợ, dự án A So sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước, là minh chứng sinh động cho sức mạnh nội lực và sự cố gắng của Đảng, Nhà nước trong khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 8

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện dự án.

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến khẳng định: Đây là minh chứng rõ nét, cụ thể về hiệu quả hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, chứng minh khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam trong xử lý dioxin nói riêng và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh nói chung. Đây cũng là kết quả thực hiện các nhiệm vụ xử lý điểm nóng ô nhiễm dioxin theo quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng như kết quả thực hiện kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, Binh chủng Hóa học đã triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, tri ân các gia đình nạn nhân chất độc da cam, các cháu học sinh trên địa bàn. Tổ chức nhiều đợt triển lãm, tuyên truyền một cách thiết thực để nâng cao hiểu biết tác hại của chất độc, cũng như biện pháp phòng tránh.

Dự án đã giải quyết được thêm một điểm ô nhiễm, phục hồi và trả lại môi sinh, sự sống an lành cho các vùng đất, mà sân bay A So tại đây là một minh chứng cụ thể...

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến

“Dự án đã giải quyết được thêm một điểm ô nhiễm, phục hồi và trả lại môi sinh, sự sống an lành cho các vùng đất, mà sân bay A So tại đây là một minh chứng cụ thể. Thành công của dự án thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; khẳng định năng lực khoa học công nghệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 10

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Quý Phương tặng quà cho đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam tại xã Đông Sơn.

Dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới. Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng cũng trao 200 suất quà (gồm các thực phẩm và 2 triệu đồng tiền mặt/suất) tặng các gia đình chính sách, người có công cách mạng, các gia đình nạn nhân da cam, học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đông Sơn, huyện A Lưới.

Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung Việt Nam.

Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học. Sau chiến tranh, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin. Toàn tỉnh hiện có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người.

Một số hình ảnh tại Lễ Công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So:

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 11

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Đông Sơn (huyệ A Lưới).

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 12

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương dành phút mặc niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 13
Cũng tại xã Đông Sơn, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tiếp bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam nhân dịp đến dự lễ công bố.
Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 14
Các đại biểu thực hiện nghi thức Công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (thuộc huyện A Lưới)
Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 15
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành và địa phương tại lễ công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So.
Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 16
Đơn vị đã tiến hành hoàn thổ và trồng cây trên diện tích đất khu B (5,23ha), Khu vực hoàn thành xử lý hiện trường được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn
Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 17
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đối tượng chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân da cam/dioxin tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới.
Hoàn thành xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ảnh 18
200 suất quà được tặng các gia đình chính sách, người có công cách mạng, các gia đình nạn nhân da cam, học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đông Sơn.