Tham dự sự kiện này, về phía Bộ Quốc phòng Việt Nam có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam; Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về phía Hoa Kỳ có Ngài Marc Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Samantha Power, Tổng Giám đốc USAID toàn cầu; bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam.
Đại diện USAID và Quân chủng Phòng không-Không quân ký biên bản bàn giao. |
Tại lễ bàn giao, USAID đã công bố kết quả xử lý giai đoạn 1 với khối lượng 29.383m2 tương ứng 19.320m3 đất hoàn thổ có hàm lượng dioxin nhỏ hơn 21.5 ppt theo đúng thiết kế được phê duyệt.
Đồng thời, USAID cũng công bố bản hợp đồng mới, nâng tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 2 lên 300 triệu USD để xử lý và làm sạch đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Khoản tài trợ mới này, thể hiện rõ cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong năm 2023.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và kết quả hợp tác của phía Hoa Kỳ, nhất là USAID với các ban, bộ, ngành của Việt Nam trong triển khai thực hiện Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1.
Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID trồng cây xanh tại khu vực đã xử lý xong dioxin phía tây nam sân bay Biên Hòa. |
Với việc gần 3ha đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa đã được làm sạch, phục hồi sinh thái, công viên tươi xanh đã được hình thành, thể hiện kết quả to lớn của sự hợp tác, nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Để thực hiện có hiệu quả những nội dung đã cam kết trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến mong muốn, Đại sứ quán Hoa Kỳ và USAID quan tâm, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục tăng nguồn vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành công viên thuộc sân bay Biên Hòa được xử lý sạch dioxin. |
Cùng với đó, từng bước hoàn thành việc xử lý toàn bộ diện tích đất bị ô nhiễm chất độc hóa học dioxin tại các sân bay Biên Hòa, Phù Cát và hỗ trợ chăm sóc nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà thầu Hoa Kỳ vào Việt Nam thực hiện dự án, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Tại buổi lễ, Ngài Marc Knapper nhấn mạnh, tấm gương về nỗ lực hòa giải của hai nước chúng ta sẽ mãi mãi là bài học sâu sắc cho phần còn lại của thế giới về những gì có thể đạt được khi cùng tiến về phía trước, như những người bạn tin cậy chứ không phải là kẻ thù.
Hãy cùng nhân đôi nỗ lực của chúng ta để bảo đảm rằng, quan hệ đối tác song phương giữa hai nước Hòa Kỳ-Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và bền chặt hơn trong thời gian tới.
Dịp này, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức khánh thành và bàn giao khu đất công viên thuộc sân bay Biên Hòa được xử lý sạch dioxin.
Trước đó, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hoàn thành xử lý dioxin khu đất đầu tiên nằm phía ngoài sân bay Biên Hòa, gần khu vực Cổng 2, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa.
Sân bay Biên Hòa nằm trên địa bàn ba phường Tân Phong, Bửu Long và Trung Dũng (thành phố Biên Hòa), là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam.
Khu vực này có hơn 52ha với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc.
Dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD, được thực hiện trong khoảng 10 năm. Trong đó, giai đoạn 1 với kinh phí 183 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm và vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường.
Dự án được xem là sự tiếp nối thành công của dự án hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Theo Bộ Quốc phòng, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh ở các sân bay Việt Nam vẫn đang đặt ra những yêu cầu với khối lượng công việc rất lớn, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, Việt Nam còn khoảng hơn 4,8 triệu lượt người bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin và hơn 6 triệu ha đất còn bom mìn, vật nổ trong chiến tranh, cần có sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.