Ngày 23/10, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, ê-kíp các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh vừa phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối tổn thương gây ra cơn động kinh cho nữ bệnh nhân 19 tuổi.
Người nhà bệnh nhân cho hay, cách đây ba năm, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những cơn mất ý thức khoảng 2-3 cơn/tuần. Đến gần đây, bệnh nhân lên cơn co giật toàn thể, được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, được chẩn đoán động kinh và cho uống thuốc điều trị.
Sau thời gian điều trị, bệnh nhân về nhà và đến khám tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua chụp MRI phát hiện khối tổn thương thái dương trái, đo điện não đồ giấc ngủ, chẩn đoán động kinh thái dương trong bên trái do khối tổn thương này gây nên.
Bệnh nhân tiếp tục được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Qua kết quả chụp MRI, đo điện não đồ video, điện não giấc ngủ, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối tổn thương gây nên bệnh động kinh.
Bệnh nhân được đánh giá trước phẫu thuật với sự phối hợp của các chuyên khoa, thực hiện các test đánh giá tâm thần kinh, các test về trí nhớ, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia phẫu thuật động kinh từ Thái Lan, bác sĩ nội thần kinh Bệnh viện Trung ương Huế.
Ê-kíp đã thống nhất phương án phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc sang thương và hạnh nhân (Amydala), bảo tồn các vùng não chức năng khác cho bệnh nhân.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật |
Với các trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện hỗ trợ trong quá trình phẫu thuật như: hệ thống định vị thần kinh trong mổ (Navigation), theo dõi thần kinh trong mổ (IOM), máy tán hút siêu âm (Cusa) và thực hiện đo điện não đồ bề mặt trong mổ.
Bác sĩ CKII Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết, động kinh là căn bệnh phổ biến thứ 2 trong các rối loạn tâm thần kinh. Các bệnh nhân đều được điều trị bằng thuốc chống động kinh, tuy nhiên có hơn 30% bệnh nhân kháng thuốc. Phẫu thuật động kinh là một trong những lựa chọn có thể điều trị dứt điểm hoặc giảm nhẹ động kinh cho bệnh nhân.
Với bệnh nhân này, do khối u nằm thái dương giữa có cấu trúc phức tạp, xung quanh có nhiều mạch máu, vùng não chức năng quan trọng nên khó khăn trong việc lấy hết tổn thương mà vẫn phải bảo tồn các cấu trúc chung quanh.
Ca mổ được đánh giá bài bản, đầy đủ trước phẫu thuật và sau hơn 3 giờ phẫu thuật, đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây cơn động kinh, bảo tồn các vùng não chức năng của bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, không có cơn co giật, không có khiếm khuyết thần kinh sau mổ, tiếp tục được theo dõi theo chương trình quản lý bệnh nhân động kinh.