Trận mưa kéo dài từ ngày 13/10 đến rạng sáng 15/10 đã khiến các khu dân cư tại đây ngập nặng, có nơi nước dâng cao hơn 1m.
Đà Nẵng: Chốt chặn "Rốn lũ", tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn
Nhằm bảo đảm an toàn, Ban Chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu, bộ đội đặc công Quân khu 5 và Cảnh sát cơ động Công an thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân nơi đây sơ tán khỏi vùng nguy hiểm ngay trong đêm 13/10.
Để tránh hư hại xe máy, nhiều người dân đã quyết định để lại xe nơi đầu kiệt, lội nước về nhà. |
Đi sâu vào kiệt 138 Hoàng Văn Thái (số đường cũ khu vực Mẹ Suốt), tại con hẻm 74, gần như nhà nào trong hẻm này cũng nhọc nhằn quét nước, đẩy bùn cả trong nhà và ngoài đường. Theo lời của một số hộ dân bám trụ trong đêm mưa lớn, vị trí này bị ngập đến hơn 1m. Dù đã có sự chủ động và thông tin từ sớm, nhưng nhiều người cũng không kịp trở tay ứng phó. |
Trở về nhà lúc 8 giờ sáng, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, 42 tuổi, sống nơi đây, vừa vất vả đẩy nước vừa chia sẻ: “Nhà không có gác lửng, nên nhà tôi đi tránh lũ bên nhà bạn, hai vợ chồng mới về sáng nay. Năm ngoái ngập hơn đầu, năm nay thì cũng tầm tầm đó. Đồ đạc tôi gác hết lên trên cao, nhưng mà vẫn bị thiệt hại nhiều lắm”. |
Bất lực nhìn cảnh thiệt hại nhà cửa, ông Nguyễn Hoài Sơn, 81 tuổi sống đối diện, buồn rầu nói: “Giờ không có điện, nên phải đợi thằng con về mới dọn được. Tối qua tôi ở lại trên gác lửng, nhưng mà già yếu nên không cất dọn được, đành cam chịu cảnh tivi, bàn ghế ngập trong nước. Thiệt hại lắm!” |
Rút kinh nghiệm từ đợt lũ năm 2022, từ những tin cảnh báo mưa lũ của thành phố, người dân nơi đây đã chủ động sắp xếp đồ đạc lên cao. Tuy vậy, một số đồ vật kích thước lớn như xe máy vẫn phải chịu cảnh ngập nước, dính bùn. |
Một số hộ trong khu vực ngập nặng vẫn chưa được về nhà. |
Hì hục đẩy bùn trong hẻm ra ngoài đường lớn, ông Ngọc Cứ, 54 tuổi cho biết: “Tranh thủ ngớt mưa, mình đẩy bớt bùn non ra ngoài, không thôi nước rút khó vệ sinh với bây giờ đi lại dễ bị trơn té. Năm trước là bùn hắn đóng trên tường luôn, nhưng mà năm nay chưa đến mức đó”. |
Khi gặng hỏi về khả năng thoát nước nơi đây, anh Tuấn, 37 tuổi, sống trong hẻm này, ngán ngẩm chia sẻ: “Ở phía đầu hẻm với ngoài đường hắn không có cống, nên chỉ cần mưa thôi chứ đừng nói đến lũ là ở đây đã xuất hiện nước ngập rồi. Bọn tôi nghe bảo thấy làm cống miết, mà có thấy làm đâu”. |
Ứng trực làm nhiệm vụ cứu trợ trong những ngày mưa lớn, anh Lê Văn Hoàng, 45 tuổi, ngụ tại đây, cũng phải tham gia dọn dẹp đường phố trong sáng nay. Chỉ tay về phía cuối hẻm, anh Hoàng nói: “Chỗ này hôm qua là hắn ngập khoảng nửa mét, còn mà càng đi xuống phía dưới kia là càng ngập nặng nữa, ngập hơn đầu. Mấy hộ dưới kia là phải di tản hết”. |
Càng đi với anh Hoàng về phía cuối hẻm, nước càng lúc dâng lên đến túi quần. Anh Hoàng cho biết, giăng dây như này để người dân có thể nắm lấy mà đi, đảm bảo an toàn trong lúc di chuyển và chạy lũ. |
“Không có sợi dây này thì nước hắn cuốn đi xuống dưới đó ngay, vì nước trong hẻm này hắn chảy xiết lắm. Lúc tối qua, lực lượng chức năng kéo phao vô đây sơ tán bà con, chứ ở đó thì rất nguy hiểm”, anh Hoàng vừa thu dây, vừa giải thích. |
Đến trưa cùng ngày, tuy nước ở phía đầu kiệt 138 đã rút gần hết, nhưng phía cuối hẻm 74 vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ. Một số người dân đã dẫn theo con cái trở về nhà, nhưng vẫn luôn lo ngại về trận mưa đêm nay. Họ đã quá “chán chường” với tình trạng bị xem là “rốn lũ” của thành phố. |