Phim “Hồng Hà nữ sĩ”: Chuyện “tình thơ” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và danh nhân Đặng Trần Côn

NDO - Là bộ phim lịch sử duy nhất ra mắt trong năm 2023, “Hồng Hà nữ sĩ” đem đến một câu chuyện dung dị nhẹ nhàng, và điều bất ngờ lớn nhất là cặp diễn viên chính của phim Anh Đào và Nguyễn Văn Toàn đều là những “tân binh” trong làng điện ảnh.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Hình ảnh Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Được ấp ủ và xây dựng trong 4 năm, phim kể về cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với những thăng trầm, biến cố, câu chuyện tình tri kỷ giữa hai người bạn thơ Đoàn Thị Điểm và danh sĩ Đặng Trần Côn, hé lộ những thối nát của tầng lớp quan tham cầm quyền và sự nhiễu loạn ở phủ Chúa thời vua Lê - chúa Trịnh.

Phim "Hồng Hà nữ sĩ":

Đạo diễn: Nguyễn Đức Việt

Kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát

Quay phim: Vũ Quốc Tuấn - Phạm Văn Khuê

Họa sĩ thiết kế: Nguyễn Trung Phan

Âm nhạc: Nguyễn Trọng Đài

Các diễn viên: Anh Đào, Nguyễn Văn Toàn, NSND Trung Anh, NSND Lê Khanh, nghệ sĩ Vĩnh Xương, nghệ sĩ Thu Hường...

Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở Hưng Yên, là tác giả của nhiều tập thơ văn chữ Hán và chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất là bản dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Là con gái của nhà nho Đoàn Doãn Nghi, bà được dạy chữ và thông thạo kinh thư lễ nghĩa từ nhỏ.

Do thông minh đĩnh ngộ, sáng dạ, học nhiều biết rộng, bà được quan thượng thư Lê Anh Tuấn yêu mến và nhận làm con gái nuôi. Từ những cuộc đàm đạo thơ phú tại tư gia của cha nuôi, Đoàn Thị Điểm gặp hai người đàn ông yêu mến tài năng của bà, Tiến sĩ Nguyễn Kiều và danh sĩ Đặng Trần Côn, khi ấy mới là một tài năng thơ phú, chưa ra làm quan.

Những biến cố của cuộc sống liên tiếp ập xuống đời nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: cha ruột bệnh nặng qua đời, anh trai chịu uất ức vì sự chèn ép của viên quan huyện mua chức vô học cũng qua đời, mẹ ruột quá đau khổ vì hai cái chết của người thân đến liền một lúc cũng lìa bỏ cõi tạm.

Chưa hết, sự nhòm ngó của phủ Chúa, của viên quan huyện đến người con gái tài sắc Đoàn Thị Điểm cũng khiến cho cô và gia đình gặp thêm những tai ương. Đoàn Thị Điểm về quê ở cùng chị dâu, ban ngày bốc thuốc dạy học, nuôi nấng các cháu, ban đêm chong đèn viết thơ đọc sách.

Phim “Hồng Hà nữ sĩ”: Chuyện “tình thơ” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và danh nhân Đặng Trần Côn ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Kiều lễ đền Mẫu cùng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Kiều vốn là con rể của quan Thượng thư Lê Anh Tuấn, vợ mất đã lâu, nay mến mộ tài năng của nữ sĩ nên xin phép quan Thượng thư cho hai người về chung một nhà. Cưới nhau chưa lâu, Tiến sĩ Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ, Đoàn Thị Điểm đưa hai con về quê ở cùng chị dâu. Đây cũng là khoảng thời gian bà trao đổi thơ phú với Đặng Trần Côn và dịch Nôm tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của ông.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm qua đời ở tuổi 43, khi cùng chồng nhận lệnh đi vào châu Hoan (Nghệ Tĩnh ngày nay) nhậm chức Tri phủ.

Câu chuyện phim dung dị, nhẹ nhàng, không có nút thắt mở, không có nhiều xung đột, kịch tính. Các nhân vật tròn vai, thể hiện được cá tính và hình ảnh của mỗi người. Điều khiến người xem ngạc nhiên nhất là phim được xây dựng với bối cảnh thời Lê, nhưng các cảnh quay, phục trang, lời thoại… đều rất chỉn chu, không bị sơ hở hay lọt những hình ảnh của thời hiện đại, như nhà tầng, cột điện, mái tôn hay dây điện...

Tác giả kịch bản, nhà sản xuất, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, phim được quay chủ yếu tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Nhiều bối cảnh được xây dựng lại hoàn toàn, như một số cảnh kinh thành Thăng Long, cổng thành… Các bối cảnh tư gia quan Thượng thư, nhà ông đồ, nhà danh sĩ Đặng Trần Côn đều phải đi tìm và lựa chọn rất cẩn thận.

Phim có những cảnh quay ngoại cảnh rất đẹp, như rặng nhãn rộ hoa trên triền đê, cảnh bến đò, con sông, cảnh chợ quê… Những khung cảnh đậm chất nông thôn Bắc Bộ được ê-kíp đưa vào tạo chất thơ cho phim. Điểm cộng nữa của phim là phần nhạc phim của nhạc sĩ Trọng Đài với ca trù làm chủ đạo, và ca khúc chính do ca sĩ Mai Hoa thể hiện.

Hai diễn viên đảm nhiệm vai chính của bộ phim đều là những người mới toanh với điện ảnh.

Phim “Hồng Hà nữ sĩ”: Chuyện “tình thơ” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và danh nhân Đặng Trần Côn ảnh 2

Cảnh trong phim.

Nữ diễn viên Anh Đào vốn khá quen thuộc trong nhiều bộ phim truyền hình như “Lối về miền hoa”, “Đấu trí”…, nhưng đây là lần đầu tiên cô tham gia một vai chính trong một bộ phim điện ảnh. Những áp lực đối với nữ diễn viên là điều tất yếu, bởi vì không có nhiều tư liệu về một nhân vật đã sống cách khá xa thời hiện tại, lại rất khác biệt về ngôn ngữ… Nhưng nữ diễn viên trẻ đã nỗ lực vượt qua, dành vài tháng trước khi đóng phim để “đọc tất cả những gì liên quan đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Như cô chia sẻ: “Tôi vốn học chuyên toán, cho nên văn chương đối với tôi không phải là lĩnh vực quen thuộc. Nhưng có lẽ cũng nhờ tư duy toán mà tôi thuộc thơ của bà khá nhanh. Tôi cứ cố gắng từng ngày, từng việc như vậy”.

Anh Đào đã làm rất tròn vai, thể hiện được những hình ảnh khác nhau của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm từ khi là một cô thiếu nữ trẻ trung, thông minh lanh lợi, cho đến khi gồng mình gánh những biến cố trong cuộc sống và đảm nhận vai trò người vợ, người mẹ khi Tiến sĩ Nguyễn Kiều đi sứ xa nhà.

Nữ diễn viên cũng cho biết, tất cả các thành viên đoàn làm phim đều giúp đỡ cô rất nhiều để cô hoàn thành tốt vai diễn. “Cô Ngát, chú Việt, chú Xương… đều hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi rất nhiều. Thậm chí cả anh quay phim cũng chia sẻ với tôi… Tôi cảm thấy những nỗ lực của mình đã được mọi người chú ý và biết đến” – Anh Đào bộc bạch.

Nguyễn Văn Toàn vai Đặng Trần Côn cũng là một gương mặt còn rất mới. Anh được đạo diễn Lương Đình Dũng mời vào một vai chính khác rất nặng về tâm lý trong “Thành phố ngủ gật”, vừa ra mắt ngày 13/10 vừa qua. Được biết, Toàn phải thử vai tới 10 lần mới được đạo diễn Nguyễn Đức Việt chấp nhận. Tuy nhiên, ở phần đầu phim, khán giả có cảm giác Toàn hơi “non” so với nhân vật Đặng Trần Côn, mặc dù Đoàn Thị Điểm hơn Đặng Trần Côn tới 10 tuổi.

Bên cạnh đó, dàn diễn viên kỳ cựu với NSND Trung Anh, NSND Lê Khanh, nghệ sĩ Vĩnh Xương, nghệ sĩ Thu Hường cùng những gương mặt hết sức mới mẻ trong các vai phụ Gái,Gạo, thầy đồ Luân... cũng đem đến những sắc màu khác nhau trong phim.

Phim lịch sử luôn là một chủ đề hóc búa và dễ bị phản ứng. Những người làm phim về đề tài lịch sử luôn là những người dám dấn thân. “Hồng Hà nữ sĩ” với sự chỉn chu, cẩn trọng của những người làm phim, sự cầu thị và học hỏi của lứa diễn viên trẻ…, xứng đáng có được sự quan tâm của khán giả. Và việc hai phòng chiếu của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đều chật kín không còn chỗ trống, thậm chí khán giả còn ngồi tràn ra cả lối đi trong buổi ra mắt phim là một tín hiệu đáng mừng.