Giải pháp nào để “hút” khách quốc tế đến Đà Nẵng?

NDO - Mặc dù ngành du lịch Đà Nẵng tăng trưởng mạnh, là điểm sáng nhất trong lĩnh vực kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong 9 tháng qua, nhưng lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh. Thống kê mới nhất của ngành du lịch Đà Nẵng cho thấy, lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, 9 tháng qua, địa phương này chỉ đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 67% so thời điểm trước dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch quốc tế trải nghiệm Lễ hội ẩm thực Việt Nam - Quốc tế năm 2023. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Khách du lịch quốc tế trải nghiệm Lễ hội ẩm thực Việt Nam - Quốc tế năm 2023. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Khách quốc tế giảm mạnh

Đà Nẵng là điểm sáng trong bức tranh phục hồi du lịch sau đại dịch so với cả nước. 3 tháng cao điểm mùa hè 2023, thành phố đón lượng khách khủng. Khách nội địa vẫn chọn Đà Nẵng là điểm đến, trở lại trong mùa hè.

Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2023, khách nội địa đến Đà Nẵng do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 4,2 triệu lượt, tăng 1,7 lần so cùng kỳ 2022 và bằng 142% so cùng kỳ 2019. Tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng.

Nhưng thách thức với ngành du lịch thành phố Đà Nẵng là lượng khách quốc tế giảm mạnh. 9 tháng qua, địa phương chỉ đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 67% so thời điểm trước dịch Covid-19; trong đó dẫn đầu là thị trường Hàn Quốc, với hơn 770.000 lượt; Thái Lan đứng thứ hai, với hơn 147 lượt.

Điều khiến nhiều đơn vị lữ hành lo lắng là khách quốc tế đi lẻ tăng cao, làm sụt giảm nguồn thu cho doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, đến hết quý 3/2023, có đến 80% khách quốc tế đi lẻ, trong khi khách đi theo đoàn chỉ chiếm 15-20% trong tổng khách lưu trú.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp du lịch đang khó khăn về nguồn vốn, thu không đủ bù lỗ, đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản. Thị trường khách quốc tế hiện nay lớn nhất là Hàn Quốc, nhưng chủ yếu là khách lẻ.

Sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, ngày lưu trú và chọn điểm đến gần, dẫn đến việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế gặp khó khăn.

Giải pháp nào để “hút” khách quốc tế đến Đà Nẵng? ảnh 1

Du khách Hàn Quốc mua sắm tại Chợ Hàn Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

“Khách quốc tế giảm quá nhiều. Năm 2019, 2 triệu khách Hàn, 1 triệu khách Trung Quốc, nhưng năm nay chỉ khoảng 1,6 triệu khách Hàn, như thế giảm rất sâu. Trong khi các thị trường khác chưa thực sự kết nối được đường bay và kết nối được thị trường, thời gian đến vẫn chưa phục hồi, gây khó khăn cho doanh nghiệp làm du lịch”, ông Dũng phân tích.

Làm rõ thêm nguyên nhân khách quốc tế giảm mạnh, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng thông tin, thị trường Trung Quốc (năm 2019 chiếm tỷ lệ 20%) chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng.

Hiện tại, dù thị trường khách Hàn Quốc đang chiếm tỷ lệ 48% tổng lượng khách đến thành phố biển, nhưng cũng đang có sự dịch chuyển và lựa chọn những điểm đến mới có nhiều sản phẩm mới. Trong khi Đà Nẵng các dự án trọng điểm động lực tạo sản phẩm du lịch đang tiếp tục gặp vướng mắc.

Giải pháp nào cho Đà Nẵng?

Tại hội nghị tổng kết du lịch Đà Nẵng 9 tháng đầu năm, chiều 12/10, nhiều doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng kiến nghị về những khó khăn, trong đó, việc sụt giảm nguồn khách quốc tế cũng như thị trường khách quốc tế chưa thể phục hồi như kỳ vọng đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành.

Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành du lịch trong phục hồi các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chỉ rõ một số hạn chế, thách thức.

“Một trong những thách thức mà ngành du lịch Đà Nẵng phải rút kinh nghiệm, đó là hiện nay, khách du lịch quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản đến Nha Trang nhiều hơn Đà Nẵng vì mỗi câu chuyện là giá phòng ở tại Nha Trang thấp hơn Đà Nẵng. Trong kia giá phòng từ 700-800 nghìn mà tại Đà Nẵng vẫn từ 3-4 triệu. Vì vậy, các tour du lịch, hãng lữ hành họ sẽ chọn địa điểm rẻ hơn thôi. Ngoài sự hấp dẫn về các điểm du lịch mới, thì giá cả cạnh tranh là yếu tố rất quan trọng”, ông Triết nhìn nhận.

Ông Triết cho rằng, ngoài sự hấp dẫn về các điểm du lịch mới, thì giá cả cạnh tranh là yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế trở lại Đà Nẵng. Ông Triết đề nghị ngành du lịch Đà Nẵng cần nghiên cứu, có các kiến nghị đề xuất kỹ hơn để thành phố xem xét và sớm ban hành các nghị quyết, chính sách riêng đối với ngành du lịch.

"Đà Nẵng có rất nhiều vấn đề thuộc ngành du lịch chưa có chính sách riêng, chưa được ưu tiên, như phát triển như kinh tế đêm, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nguồn nhân lực du lịch; cơ chế chính sách đặt hàng với các hiệp hội trong việc xúc tiến, thu hút khách đến Đà Nẵng...", ông Triết nói.

Giải pháp nào để “hút” khách quốc tế đến Đà Nẵng? ảnh 2

Thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình Đà Nẵng xúc tiến du lịch tại thị trường quốc gia Hồi giáo Indonesia, tháng 10/2023.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh tới đây dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng du lịch, ngành phải tính toán, linh hoạt trong việc tìm kiếm và xúc tiến tại các thị trường mới, cũng như làm mới sản phẩm du lịch và đầu tư sản phẩm mới.

Nguồn lực chúng ta khó, điều kiện khó thì việc đầu tư sản phẩm mới sẽ khó. Trong khi một số thị trường truyền thống sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển trong năm 2024-2025, nên ngành du lịch phải nghiên cứu thị trường và xúc tiến khai thác thị trường mới.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng

Đặt mục tiêu năm 2024 khách quốc tế năm 2024 đạt 2,5 triệu lượt; 2025 đạt 2,8 triệu lượt. Mức này vẫn thấp hơn năm 2019, với 3,24 triệu lượt khách. Ngành du lịch Đà Nẵng cần có những giải pháp cụ thể hơn để có thể thực hiện các chỉ tiêu này như kỳ vọng.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, ngành du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu xu hướng, thị hiếu khách du lịch tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng, dự báo tình hình thị trường; tổ chức hoạt động kích cầu du lịch phù hợp.

Khảo sát tìm kiếm những thị trường, phân khúc thị trường mới, tiềm năng; phát triển các thị trường nội địa có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á kết hợp thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Mỹ và Bắc Âu.