Hội thảo có sự góp mặt của gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở một số tỉnh, thành; cùng nhiều nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học và các chuyên gia về văn hóa.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho biết: “Văn hóa là lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chăm lo trong sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Sau gần 2 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện cũng xuất hiện một số hạn chế về nhận thức, nguồn lực và đào tạo. Những vấn đề đặt ra của văn hóa đang cần được phân tích, giải quyết thấu đáo trên cơ sở mối tương quan, biện chứng với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Ông Hoàng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phát biểu tại hội thảo. |
Với mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện và phù hợp với xu thế thời đại, hội thảo đã đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong việc cụ thể hóa các nghị quyết, văn kiện của Đảng về văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, hội thảo cũng giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để công tác triển khai đạt yêu cầu đề ra. Qua đó, đúc rút và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực để hoàn thiện các chính sách về văn hóa.
Trình bày tại hội thảo có 35 tham luận, đề cập đến đa dạng vấn đề, chứa giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Các bài tham luận tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá ưu điểm và hạn chế về thực trạng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ở trung ương và địa phương; Phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế về các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua; Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Đa phần các bài tham luận được trình tại hội thảo đều có tính gợi mở và nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, thiết thực từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về văn hóa. Đây sẽ là cơ sở để ban tổ chức ghi nhận, đề xuất những giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ngày càng hoàn thiện hơn.