Chuyên nghiệp hóa đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Tập trung phân tích thực trạng và giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng là nội dung chính được đề cập trong tọa đàm khoa học “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nội mới đây.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh tọa đàm khoa học về đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay.
Toàn cảnh tọa đàm khoa học về đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, việc nhìn nhận, đánh giá khoa học, nghiêm túc về nhân tố con người và công tác xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình là công việc cần thiết.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lý luận, phê bình sẽ góp phần tác động tích cực, nhiều mặt đến quá trình sáng tạo, tiếp nhận giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật của giới làm nghề và công chúng.

15 tham luận tại Tọa đàm đã chỉ ra thực trạng của đội ngũ lý luận, phê bình trong từng lĩnh vực; đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn tới những điểm hạn chế, yếu kém; và đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ (như: Nâng cao trình độ chuyên môn; khuyến khích và tạo điều kiện phát huy tài năng, tâm huyết; xây dựng và phát triển các hội nhóm, câu lạc bộ, các diễn đàn học thuật, các tổ chức chuyên môn liên quan; thúc đẩy công tác nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công nghệ mới; Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ)…

PGS, TS Phan Trọng Thưởng cho rằng, thực trạng đội ngũ hiện nay còn yếu, không tương xứng với đội ngũ sáng tác, chưa đáp ứng yêu cầu của công chúng thưởng thức văn học, nghệ thuật.

Lâu nay, chúng ta thường nghĩ đến giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, xem đó là cách bổ sung, phát triển đội ngũ… đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Vấn đề nằm ở tư chất, khiếu cảm thụ, năng lực tìm kiếm, phát hiện và cá tính phê bình của những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Theo quan điểm của PGS, TS Đào Duy Quát, một trong những yếu tố đáng quan tâm hiện nay đó là thực trạng tiếp nhận văn học, nghệ thuật của công chúng. Cụ thể, đa phần công chúng tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật đang có khẩu vị bình dân, ít quan tâm những sáng tác mang tính chuyên nghiệp.

Những đối tượng khác (nhóm công chúng được đào tạo trong môi trường văn hóa trí thức, công chúng là đội ngũ văn nghệ sĩ, lực lượng nghiên cứu, giảng dạy…) lại chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Và cần có những giải pháp thực chất để khắc phục tình trạng lực lượng phê bình trẻ, kế cận còn thưa vắng so với đòi hỏi của thực tiễn giai đoạn mới, nhất là có kế hoạch điều chỉnh sự phân bố đội ngũ lý luận, phê bình ở các loại hình văn học, nghệ thuật hiện đang bất hợp lý (văn học thì nhiều, các chuyên ngành khác thì ít...).

Trong từng lĩnh vực, các tham luận cũng nêu ra thực trạng cụ thể, mang tính đặc thù. Thí dụ, ở lĩnh vực mỹ thuật, Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: Phê bình mỹ thuật ở nước ta hầu như không sống được bằng nghề mà chủ yếu hoạt động vì trách nhiệm, sự đam mê của cá nhân nhà phê bình. Trong khi đó, theo xu hướng thế giới, đây phải là đội ngũ tiềm năng, tham gia tích cực vào quá trình phát triển thị trường mỹ thuật…

Ở lĩnh vực âm nhạc, PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục xây dựng một đội ngũ phê bình đích thực. Đó là những nhà lý luận, phê bình có chuyên môn cao về nghề và tư duy.

Một tác phẩm muốn đến được với công chúng cần có ba yếu tố: Tác giả, nghệ sĩ, công chúng. Sự có mặt của nhà phê bình trong quá trình giới thiệu, dẫn giải, quảng bá sẽ giúp công chúng cảm thụ, thưởng thức tác phẩm tốt hơn, chính xác hơn và hào hứng hơn. Đặc biệt, phê bình phải sống trong đời sống báo chí.

Đây cũng chính là nguyện vọng và đang là nỗi băn khoăn của các nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp và không chuyên.

Chia sẻ cụ thể hơn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dẫn chứng:

Số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trong hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; còn lĩnh vực phê bình trên báo chí-truyền thông thì hiện tượng khen chê tùy tiện, PR, quảng bá trá hình thay vì tìm kiếm giá trị, vẻ đẹp đích thực của tác phẩm đã làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong mắt công chúng.

Có thực trạng là không ít nhà phê bình giỏi chuyên môn và nghiêm túc nhưng lại ngại xuất hiện hoặc ngại lên tiếng đánh giá về các hiện tượng âm nhạc.

Trước thực trạng vắng bóng của lý luận, phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan đề xuất một số giải pháp: Học hỏi kinh nghiệm phát huy nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh của nước ngoài; củng cố, phát triển và chuyên nghiệp hóa đội ngũ; nâng cao chất lượng thẩm định; quan tâm đến xuất bản sách chất lượng cao về lý luận, phê bình ở các lĩnh vực…

Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai lại đặt ra vấn đề cần chú trọng kết nối đội ngũ lý luận, phê bình tại các trường đại học, cao đẳng với hoạt động văn học, nghệ thuật địa phương.

Bà Thanh Mai dẫn chứng thực trạng cụ thể tại khu vực phía nam miền trung và Tây Nguyên, đề xuất cần ưu tiên việc tăng cường tương tác, quảng bá; tổ chức các hoạt động đi vào chiều sâu về chuyên môn và tính hiệu quả trong kết nối, đổi mới, sáng tạo về ý tưởng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật...

Nhiều ý kiến tại tọa đàm đã thẳng thắn đóng góp một cách đa dạng, sát thực tiễn để hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm.

Nhiều tham luận tập trung nêu các giải pháp liên quan đến chế độ, chính sách, hành lang pháp lý... cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; cải tiến chế độ lương, nhuận bút, cơ chế đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng chuyên môn…

Những nhận định khách quan, trách nhiệm trên có giá trị, ý nghĩa sâu sắc trong việc cung cấp luận cứ khoa học để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật nói chung và công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong những năm tới.