Đồng Nai khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; trong đó, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại huyện Định Quán.
Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại huyện Định Quán.

Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km, là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm và được xem là trung tâm trái cây của vùng Đông Nam Bộ. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, Long Khánh đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp, điển hình là Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc, được thành lập từ năm 2019 với 17 thành viên tại 14 điểm vườn.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các mô hình trong Tổ hợp tác Bình Lộc đã liên kết với 94 vườn cây ăn trái với tổng diện tích hơn 150 héc-ta, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến trải nghiệm, thưởng thức trái cây, ẩm thực tại vườn. Nhờ tham gia mô hình liên kết, thu nhập của chủ các vườn cây ăn trái đã tăng khoảng 50% so với hoạt động nông nghiệp thuần túy trước đây.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết: Trên địa bàn có vùng trái cây tập trung với diện tích hơn 7.300 héc-ta, trong đó, nhiều loại ngon nức tiếng, như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Để du lịch sinh thái vườn phát triển, ngày càng thu hút đông du khách, hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh phối hợp các sở, ngành tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ hội tôn vinh trái cây, đưa nơi đây trở thành điểm hẹn hấp dẫn đối với du khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Thường vào các dịp cuối tuần khi mùa trái cây chín, gia đình tôi đi du lịch sinh thái tại vườn ở Long Khánh. Khi đến đây, tôi được tự tay hái và thưởng thức trái cây, tận hưởng cảm giác thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng”, anh Nguyễn Quang Đạt, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 123.000 héc-ta rừng tự nhiên với hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Có thể kể đến Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ ngập mặn Long Thành-Nhơn Trạch... và hàng chục hồ, thác với cảnh quan thiên nhiên, thuận lợi để khai thác du lịch.

Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai là nơi đang quản lý diện tích tự nhiên hơn 68.000 héc-ta, với hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ và hệ động, thực vật đa dạng về chủng loại và số lượng. Cùng với đó, hồ Trị An diện tích khoảng hơn 32.000 héc-ta xen lẫn 72 đảo lớn, nhỏ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách.

Khu Bảo tồn còn là vùng căn cứ cách mạng với ba di tích lịch sử quốc gia. Những yếu tố nêu trên tạo ra lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Do đó, thời gian qua, để khai thác du lịch, Khu Bảo tồn đã tổ chức năm tour từ một đến hai ngày, gồm: về nguồn; giáo dục môi trường, khám phá thiên nhiên xanh, du lịch trên hồ Trị An, đạp xe, đi bộ xuyên rừng. Các tour này ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.

“Để khai thác thế mạnh phát triển du lịch, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thẩm định, phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Khu Bảo tồn. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư lớn, góp phần phát triển du lịch và bảo vệ rừng bền vững”, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn nói.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, bám sát các nội dung của nghị quyết và kế hoạch về phát triển du lịch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đến nay, Đồng Nai đã xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; trong đó, chú trọng phát triển ba loại hình: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp-nông thôn và du lịch về nguồn-tâm linh để tạo thương hiệu. Ngành du lịch Đồng Nai cũng đã có bước phục hồi và chuyển biến khởi sắc từ sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu, trong bảy tháng đầu năm 2023, Đồng Nai đón gần 1,8 triệu lượt khách, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho biết: Du lịch Đồng Nai vẫn chưa tạo được điểm nhấn và thương hiệu. Mặc dù thời gian gần đây, các sản phẩm du lịch được quan tâm đầu tư, chất lượng được nâng lên, nhưng nhìn chung tính hấp dẫn chưa cao.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong ngành du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa chuyên nghiệp. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Đối với triển khai xây dựng các đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đều chậm so với yêu cầu, do thủ tục mất nhiều thời gian liên quan đến các chủ rừng.

Đại diện một số công ty hoạt động du lịch cho rằng, tiềm năng du lịch của Đồng Nai rất lớn, do đó, để du lịch ngày càng phát triển, thu hút đông du khách, tỉnh cần khai thác thế mạnh du lịch ven sông Đồng Nai, có chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi đầu tư dự án du lịch và kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai đối với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, mục tiêu địa phương phấn đấu, hướng đến là tạo điều kiện phát triển du lịch trở thành một trong ba trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh: Công nghiệp-nông nghiệp-du lịch. Trước tiên, để du lịch Đồng Nai ngày càng khởi sắc, đòi hỏi phải bảo đảm hạ tầng giao thông, điện ổn định, thông tin liên lạc thông suốt, cảnh quan môi trường đẹp, điểm dừng chân sạch sẽ. Muốn phát triển các dự án du lịch phải có quy hoạch.

Do vậy, công tác quy hoạch du lịch phải được tích hợp với quy hoạch chung của tỉnh để xây dựng các dự án du lịch đa dạng về sản phẩm, nhằm giữ chân và tăng chi tiêu của du khách. Ngoài ra, phải định hướng mục tiêu chung đến năm 2025, khi sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động, thì du lịch Đồng Nai đã hội tụ các điều kiện cần và đủ để “cất cánh”.