Việc Liên minh châu Phi (AU) được đề xuất tham gia Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số nước châu Phi được đề nghị nắm giữ vị trí tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy vị thế ngày càng cao và tiềm năng hợp tác quốc tế mạnh mẽ của Lục địa Đen.
Châu Phi, theo đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế tăng lên.
CÁC nhà lãnh đạo BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cho rằng, việc mở rộng thêm 6 nước thành viên (gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE) có ý nghĩa lịch sử, là điểm khởi đầu mới của cơ chế hợp tác BRICS.
Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 vừa diễn ra tại Nam Phi đã chọn chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm”, cho thấy định hướng của các nước thành viên thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với Nam bán cầu, trong đó có châu Phi. Ngân hàng Phát triển mới của BRICS cho biết có thể giúp hỗ trợ cung cấp tài chính cho các dự án của các nước châu Phi trong nỗ lực ứng phó những thách thức cấp bách nhất. Tân Chủ tịch của ngân hàng này khẳng định, các nước thành viên BRICS là những đối tác tốt của châu Phi.
Châu Phi, theo đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế tăng lên.
Tổng thống Putin ủng hộ sáng kiến trao cho AU một vị trí trong G20 và cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với các hiệp hội ở khu vực châu Phi. Nga đã thông báo sáng kiến thiết lập hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Khu vực Thương mại tự do châu Phi, trong khuôn khổ AU. Nga cũng chia sẻ mong muốn của các quốc gia châu Phi tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của Liên hợp quốc, đồng thời ủng hộ đề xuất mở rộng đại diện của châu Phi trong các cấu trúc của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Saudi Arabia cũng tuyên bố ủng hộ AU tham gia G20 với tư cách thành viên thường trực, do tầm quan trọng của khối này trong việc giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, nợ công cao và sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19. Việc giải quyết những thách thức nêu trên đòi hỏi hành động tập thể trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.
Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, châu Phi đứng thứ hai thế giới về dân số, sau châu Á. Với nguồn nhân lực dồi dào và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, châu Phi là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cũng như đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã gửi thư tới lãnh đạo các quốc gia thành viên G20 đề nghị công nhận tư cách thành viên thường trực và đầy đủ của AU. Vấn đề này có thể được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Ấn Độ vào tháng 9 tới.
Ấn Độ cho đây là bước đi đúng đắn hướng tới một nền tảng quản trị và kiến trúc toàn cầu công bằng, toàn diện và mang tính đại diện cao hơn. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ khẳng định tin tưởng các nước Nam bán cầu cần có tiếng nói lớn hơn tại các diễn đàn quốc tế, nhất là các nước châu Phi. Ấn Độ đặc biệt tập trung vào việc kết hợp những ưu tiên của các nước châu Phi trong chương trình nghị sự của G20.
Mở rộng sự hiện diện của các quốc gia châu Phi tại Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc cũng là đề xuất nhận được nhiều sự ủng hộ. Nga cho biết sẵn sàng xem xét đề xuất mở rộng sự hiện diện của các thực thể châu Phi trong các cơ quan của Liên hợp quốc, bao gồm cả đề xuất cải cách Hội đồng Bảo an. Anh tuyên bố ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an, trong đó dành một ghế thường trực cho châu Phi. Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ Hội đồng Bảo an mở rộng với đại diện từ châu Phi.
Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, châu Phi đứng thứ hai thế giới về dân số, sau châu Á. Với nguồn nhân lực dồi dào và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, châu Phi là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cũng như đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự hiện diện lớn hơn của châu Phi trong các tổ chức quốc tế sẽ giúp Lục địa Đen có tiếng nói mạnh mẽ hơn, đồng thời đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, vì một thế giới công bằng, hội nhập và phát triển thịnh vượng.