Kết nạp thêm sáu thành viên, BRICS chứng tỏ sức hấp dẫn

Hội nghị cấp cao nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 15 đã bế mạc thành công tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Việc kết nạp sáu quốc gia tới từ các khu vực Mỹ Latin, châu Phi và Tây Á làm thành viên mới kể từ năm 2024 đã chứng tỏ sức hút của BRICS.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, ngày 23/8/2023. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, ngày 23/8/2023. (Ảnh: Reuters)

Tại hội nghị cấp cao đầu tiên được tổ chức trực tiếp kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà lãnh đạo BRICS đã chia sẻ tầm nhìn của nhóm hướng đến tư cách là các quốc gia đại diện cho nhu cầu và mối quan tâm của người dân ở các nước Nam bán cầu, gồm nhu cầu tăng trưởng kinh tế có lợi, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương.

BRICS cũng khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh cam kết của BRICS về việc giải quyết những khác biệt và tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và tham vấn toàn diện.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng khuyến khích các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế. Tuyên bố có đoạn nhấn mạnh về động lực toàn cầu hướng tới sử dụng đồng nội tệ, các thỏa thuận tài chính thay thế và hệ thống thanh toán thay thế. Do đó, các nhà lãnh đạo BRICS đồng ý giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên xem xét các vấn đề này và báo cáo cho các nhà lãnh đạo BRICS trước hội nghị cấp cao lần thứ 16, dự kiến được tổ chức tháng 10/2024, tại thành phố Kazan của Nga.

Hội nghị thông qua Tuyên bố Johannesburg II phản ánh các thông điệp chính của BRICS trong các vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính và chính trị toàn cầu. Tuyên bố thể hiện các giá trị chung và lợi ích chung làm nền tảng cho sự hợp tác cùng có lợi của năm quốc gia BRICS, khẳng định tính đa dạng của nhóm.

BRICS quyết định mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức của nhóm và tư cách thành viên này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva nêu rõ việc có nhiều nước mong muốn gia nhập BRICS cho thấy đường lối đúng đắn của nhóm khi quyết định theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới.

Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định khối này luôn sẵn sàng chào đón các ứng viên mới. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi cho biết, việc mở rộng BRICS hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, dịch vụ y tế… đối với các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại mục đích sáng lập khối là mang đến cho thế giới sự chắc chắn, ổn định và năng lượng tích cực hơn. Theo ông, các nước BRICS cần tăng cường hợp tác kinh doanh và tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lan tỏa sự phát triển ra khắp thế giới để tất cả đều có thể được hưởng lợi. Ðồng thời, các quốc gia BRICS nên mở rộng hợp tác chính trị và an ninh để duy trì hòa bình và ổn định khi tình hình địa chính trị ngày càng "căng thẳng".

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các nước BRICS thúc đẩy lợi ích phát triển của khu vực Nam bán cầu, hoan nghênh cam kết liên tục của các nước BRICS với châu Phi trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau như tinh thần Nam Phi lựa chọn cho năm BRICS 2023 là "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm".

Tổng thống Nga Vladimir Putin không trực tiếp tham dự hội nghị nhưng có bài phát biểu trực tuyến, trong đó nhấn mạnh BRICS đang nỗ lực thiết lập một thế giới đa cực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau cũng như các nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Nước chủ nhà Nam Phi chia sẻ thông tin có 40 nước bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS, trong đó có 22 quốc gia đã đưa ra lời đề nghị chính thức. Việc kết nạp sáu nước để nâng tổng số thành viên lên 11 và có thể còn tăng nữa thời gian tới, chứng tỏ sức hấp dẫn không nhỏ của BRICS.