Tầm vóc mới cho BRICS

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), họp tại thành phố Johannesburg của Nam Phi từ ngày 22 đến 24/8, được kỳ vọng mang đến tầm vóc mới cho BRICS. Các thành viên cùng nỗ lực hướng tới trật tự thế giới đa cực, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và tăng tỷ trọng trong GDP toàn cầu của nhóm “những viên gạch vàng”.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà lãnh đạo BRICS tại hội nghị cấp cao ở Johannesburg. Ảnh: REUTERS
Các nhà lãnh đạo BRICS tại hội nghị cấp cao ở Johannesburg. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 là cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên sau ba năm và được đánh giá có quy mô lớn nhất kể từ khi BRICS ra đời cách đây 17 năm. Chủ tịch nước Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Brazil và Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi trực tiếp thảo luận tại Johannesburg, trong khi Tổng thống Nga tham gia trực tuyến và cử đại diện là Bộ trưởng Ngoại giao dự trực tiếp. Hơn 40 nhà lãnh đạo, đại diện cấp cao các nước đối tác và khách mời, cùng khoảng 200 đại biểu từ các tổ chức, cơ quan truyền thông quốc tế tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị.

Điểm nhấn của Hội nghị Johannesburg nổi bật trong chính chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”. Toàn bộ các quốc gia ở châu Phi được mời tham dự Hội nghị, cho thấy BRICS ưu tiên quan hệ đối tác với châu Phi, cũng như mục tiêu mở rộng ảnh hưởng và vai trò của BRICS tăng cường hợp tác Nam bán cầu. Bằng cách phối hợp với các nước châu Phi trong các cuộc thảo luận lần này, BRICS muốn nhấn mạnh thông điệp rằng, chủ nghĩa đa phương và sự phát triển chung của thế giới phải bao gồm các nước đang phát triển ở miền nam bán cầu. Những nền kinh tế, thị trường mới nổi đang giữ vai trò là động lực thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy trật tự thế giới đa cực mới, cân bằng hơn.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức phức tạp, Hội nghị Johannesburg được kỳ vọng là nơi để các nhà lãnh đạo BRICS thể hiện vai trò tích cực, hiệu quả trong ứng phó và xử lý thách thức toàn cầu, cũng như phối hợp các đối tác thúc đẩy cải cách cấu trúc quản trị toàn cầu hiện nay vốn bị cho là lỗi thời và thiếu công bằng.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ: Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRICS năm 2009 diễn ra khi thế giới bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng tài chính. Hiện tại, tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng đối mặt nhiều thách thức. Ở cả hai thời điểm này, BRICS đều đóng vai trò quan trọng, là ngọn hải đăng mang lại hy vọng cho kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, BRICS có tiềm năng trở thành một tổ chức giữ vai trò định hình sự phát triển của thế giới.

Hội nghị cũng thảo luận về thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác trong một loạt lĩnh vực, từ năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng đến kinh tế số, kinh tế xanh, tạo việc làm... Theo báo cáo của Nam Phi, kim ngạch thương mại nội khối của BRICS đạt 762 tỷ USD năm 2022; đầu tư vào các nước BRICS tăng 4 lần trong 20 năm qua. Một chủ đề nổi bật nữa là huy động vốn và tăng cường cho vay của Ngân hàng Phát triển mới của BRICS, cũng như thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ của các thành viên, hoặc đồng tiền riêng của BRICS nhằm giảm phụ thuộc đồng USD. Phát biểu qua video, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, tiến trình “phi dollar hóa” của BRICS là yêu cầu khách quan, không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhấn mạnh ưu tiên mở rộng khối, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo, hiện có hơn 40 quốc gia mong muốn tham gia BRICS, trong đó 23 nước đã chính thức nộp đơn gia nhập khối. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, BRICS sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, mở rộng thành viên hoặc theo mô hình BRICS+. Việc tăng cường hợp tác giữa các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác ở Nam bán cầu góp phần nâng tầm vóc cho BRICS và thúc đẩy tiến trình đa cực, bảo đảm trật tự thế giới công bằng và hợp lý hơn.