Cơ hội khai thác thị trường quốc tế của ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam

NDO - Ngày 31/3, tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Liên minh Sáng tạo Nội dung số - DCCA (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội nghị “ Khai thác thị trường quốc tế và Chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu, gồm các đại diện Bộ, ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành và nhiều doanh nghiệp nội dung số nổi bật ở Việt Nam hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong đó có nội dung số được Nhà nước quan tâm thúc đẩy phát triển. Với nhiều chính sách hỗ trợ, đến nay lĩnh vực sáng tạo nội dung số phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do là ngành mới mẻ và phát triển với tốc độ rất nhanh, hiện vẫn còn một số rào cản, vướng mắc cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng còn chưa phù hợp.

Hội nghị là một trong chuỗi hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tạo diễn đàn mở, kết nối các nhà sáng tạo nội dung, các chuyên gia truyền thông, cơ quan quản lý thuế... thảo luận và đóng góp góc nhìn đa chiều, tìm kiếm các giải pháp để sản phẩm, dịch vụ nội dung số Việt Nam nắm bắt cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường sáng tạo nội dung số, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022.

Chỉ tính riêng trên YouTube, số liệu trong năm 2022 cho biết số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

Cơ hội khai thác thị trường quốc tế của ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam ảnh 1

Sáng tạo nội dung số là lĩnh vực mới và đầy tiềm năng của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trên phạm vi toàn cầu, sáng tạo nội dung số ngày càng thu hút một lực lượng lao động trình độ cao tham gia và tạo ra lượng doanh thu khổng lồ. Các ngành nghề trong đó cũng rất phong phú, bao gồm: sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí, xuyên biên giới (YouTube, Facebook, TikTok...); kinh doanh trên khoảng hơn 50 nền tảng âm nhạc trực tuyến (Spotify, Apple Music, Amazon Music...); cung cấp hình ảnh, video 2D/3D, tranh, bản vẽ thiết kế, giáo dục trực tuyến; phát hành trò chơi trực tuyến (game online) trên Apple Store, CH Play cũng như nhiều nền tảng số của các quốc gia khác...

Tại hội nghị, vấn đề về chính sách thuế đối với các cá nhân/tổ chức đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng miễn phí (YouTube, Facebook, TikTok, Apple Store, CH Play) đã được thảo luận sôi nổi với các kiến nghị cụ thể về áp dụng mức thuế để đảm bảo tránh bị đánh thuế 2 lần. Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Triệu Minh Long thì chính sách thuế của Việt Nam đang rất hấp dẫn, cả với doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

“Có thể tham khảo thế giới đang có những chính sách gì, cách thức hoạt động thế nào đối với lĩnh vực nội dung số để tham khảo” - ông Triệu Minh Long nói.

Còn theo PGS.TS Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính), một số doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo nội dung số trong nước còn gặp khó khăn trong việc kê khai, hạch toán chi phí, dẫn đến không được hưởng những ưu đãi về thuế.

Trong khuôn khổ chương trình, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp nhiều chương trình đầu tư nước ngoài hấp dẫn, là cầu nối quý giá đưa những sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế nhiều hơn nữa.