Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 955 người là già làng, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín ở Gia Lai đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động cộng đồng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương; vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu mê tín dị đoan, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.
Kon Tum có 182 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao
Tỉnh Kon Tum hiện có 182 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao còn hiệu lực, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.
Có được kết quả nêu trên, ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố đã chú trọng tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo ra những sản phẩm chất lượng nhằm thu hút người tiêu dùng; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các bước để có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Đắk Nông thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo bền vững
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, cuối năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 11,19%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,56% (giảm 8,25%).
Nhờ được hỗ trợ bò giống, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông đã thoát nghèo. |
Để có được kết quả này, ngoài việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách đặc thù riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, tỉnh lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu giữa cơ quan, đơn vị với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất để cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; đất ở và đất sản xuất; bảo hiểm y tế, giáo dục; điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh...
Phong trào thi đua "Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" do tỉnh phát động cũng đã thu hút được sự chung tay, góp sức tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Lâm Đồng có hơn 96% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông tin, toàn tỉnh hiện có 107/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,4%. Trong đó, 33 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố: Đà Lạt, Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình nông thôn mới năm 2023 hơn 279,7 tỷ đồng.
Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách và tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 18.200 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, chiếm tỷ lệ 5,34%; tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 hơn 3,7 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số bố trí năm 2023 hơn 162,5 tỷ đồng.