Mang sân khấu đến với khán giả

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin với các phương tiện nghe nhìn cá nhân phổ biến, khán giả đến với các sân khấu truyền thống ngày một “vơi dần”, việc mang sân khấu đến với khán giả tại Hải Phòng không chỉ giúp đưa nghệ thuật biểu diễn gần hơn với công chúng, mà còn giúp sức làm sáng lại ánh đèn sân khấu thành phố Cảng.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong vở diễn “Romeo và Juliet” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng trên sân khấu Nhà hát thành phố.
Một cảnh trong vở diễn “Romeo và Juliet” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng trên sân khấu Nhà hát thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn quan tâm đầu tư phát triển văn hóa nghệ thuật, đưa văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với đông đảo người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng cả về vật chất và tinh thần…

Với quan điểm đó, từ cuối năm 2019, Hải Phòng đã triển khai Đề án Sân khấu truyền hình với các vở diễn của năm đoàn nghệ thuật thuộc thành phố trên sóng của Đài truyền hình Hải Phòng (THP) vào tối thứ bảy hằng tuần, công diễn phục vụ nhân dân tối chủ nhật kế tiếp tại Nhà hát thành phố. Các vở diễn cũng được lưu diễn tại các vùng nông thôn, hải đảo xa xôi của thành phố Cảng - nơi những người dân khó có điều kiện để tiếp cận và thưởng thức trực tiếp “ánh đèn” sân khấu và các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn có tính hàn lâm. Các chương trình, vở diễn được hoạch định và bám sát định hướng tuyên truyền của thành phố, vừa thể hiện được truyền thống hào hùng của miền đất, con người Hải Phòng, vừa quảng bá hình ảnh thành phố năng động, hội nhập đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ, sân khấu biểu diễn thành phố “may mắn” khi vẫn giữ được nguyên vẹn năm đoàn nghệ thuật: kịch nói, ca múa, chèo, cải lương và múa rối (không bị sáp nhập như một số địa phương khác). Chương trình sân khấu truyền hình đã tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần để các nghệ sĩ cùng các đoàn nghệ thuật thêm hứng khởi trong sáng tạo nghệ thuật, được “sống” với những vai diễn, với ánh đèn sân khấu. Điều quan trọng hơn, những hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã trực tiếp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về tinh thần của đông đảo người dân thành phố Cảng...

Nghệ sĩ Trần Trung Hiếu, Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng chia sẻ, chương trình sân khấu truyền hình không chỉ lan tỏa sâu rộng tới công chúng, mà còn quy tụ được các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn có tên tuổi của cả nước, góp phần nâng cao chất lượng các vở diễn trên sân khấu thành phố. Điều này cũng giúp cho các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật thành phố rèn luyện, học hỏi, nâng cao kỹ năng diễn xuất, hun đúc niềm đam mê và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho công chúng. Cùng với đó, các đoàn nghệ thuật thành phố cũng có điều kiện để dàn dựng các vở diễn chất lượng cao, nhất là các vở diễn kinh điển…

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Thành phố Hải Phòng chủ trương giữ lại năm đoàn nghệ thuật là hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả, điều này đã được thể hiện ở chương trình Sân khấu truyền hình. Chương trình Sân khấu truyền hình của Hải Phòng được đánh giá là một “hiện tượng”, một “sáng tạo nghệ thuật”, một bông hoa đẹp đẽ trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Hải Phòng đã mang sân khấu đến tận nhà phục vụ khán giả hoặc tổ chức biểu diễn trực tiếp tại các vùng nông thôn, hải đảo xa xôi. Sân khấu truyền hình cũng đang lan tỏa song song với sân khấu thực để cùng mang lại giá trị và hiệu quả của nghệ thuật biểu diễn…

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai chia sẻ: “Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật đang hướng về Hải Phòng và khâm phục cách làm của Hải Phòng. Về với Hải Phòng, chúng tôi vừa được làm nghề, vừa được giao lưu với các đoàn nghệ thuật nhằm truyền cảm hứng, thôi thúc sự đam mê nghệ thuật cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên và cả nỗ lực tham gia đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận…”.

Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2023, các đoàn nghệ thuật thành phố phối hợp thực hiện sáu chương trình Sân khấu truyền hình, với các vở diễn thuộc năm loại hình nghệ thuật như: Vở cải lương “Hội vật cầu”; chương trình nghệ thuật “Thanh âm thành phố Cảng”; vở chèo “Dòng sông ân nghĩa”; vở múa rối “Dế mèn phiêu lưu ký” và hai vở kịch nói “Nguồn sáng trong đời” và “Romeo và Juliet”… Vở diễn kinh điển của sân khấu thế giới “Romeo và Juliet” do Đoàn Kịch nói Hải Phòng trình diễn tại Nhà hát thành phố đã mang lại thành công khi có lượng khán giả chật kín Nhà hát và những tràng pháo tay vang lên liên hồi sau mỗi màn diễn. Các vở diễn được tổ chức tại các nhà hát và truyền hình trực tiếp trên kênh THP, phát sóng trên các kênh khác và nền tảng số của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Theo thống kê, trong mỗi chương trình phát lại vào các tuần tiếp theo luôn đón nhận từ 150-250 người xem livestream cùng một thời điểm truy cập và có khoảng 7.000 lượt xem mỗi chương trình với hàng trăm lượt chia sẻ, tương tác… Cùng với đó, các đơn vị nghệ thuật cũng đã thực hiện 56 cuộc lưu diễn tại các địa phương, đơn vị, được khán giả nhiệt tình đón nhận…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, việc thực hiện được chương trình sân khấu truyền hình và tổ chức lưu diễn tại các địa bàn là một thành công lớn của thành phố Hải Phòng, nhất là trong giai đoạn sân khấu đang mất dần khán giả như hiện nay. Đây đang là giải pháp hiệu quả để “cứu” sân khấu, “cứu” nghệ thuật biểu diễn, giúp cho sân khấu “sáng đèn” và đưa sân khấu đến gần với người xem.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai khẳng định, với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố, sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực của đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo trong cả nước, ngành văn hóa Hải Phòng sẽ phấn đấu để sân khấu luôn sáng đèn. Đồng thời, đội ngũ diễn viên và các lực lượng tham gia sẽ “sống” được bằng chính các hoạt động nghệ thuật của mình với các chương trình, vở diễn bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật, hấp dẫn…