Nguyên nhân được lý giải là do EU đối mặt với khủng hoảng năng lượng và “cơn sốt” giá thực phẩm dẫn đến suy thoái kinh tế, cắt giảm tiêu thụ thực phẩm ở nhiều nước, kể cả các quốc gia đầu tàu kinh tế, theo đó, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính vào EU của Việt Nam có kim ngạch giảm.
Cụ thể như hạt điều, số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho thấy, 4 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt xấp xỉ 32.000 tấn, trị giá 186,2 triệu EUR (tương đương 205,14 triệu USD), giảm 12,8% về lượng và giảm 20,1% về trị giá.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới giảm từ 55,78% trong 4 tháng đầu năm 2022 xuống 50,49% trong 4 tháng đầu năm 2023.
Đối với ngành hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường EU... nên dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
EU là thị trường tiềm năng và được ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết.
Theo đó, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU là hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà-phê, chè và cao-su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà-phê, ca-cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, cao-su… và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Trước thực tế đó, để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ngành nông nghiệp cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh triển khai giải pháp trong các đề án đã được phê duyệt, như “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”; “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”.
Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” và Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”. Đây sẽ là bệ đỡ để nông sản Việt đáp ứng tốt nhất yêu cầu, quy định từ thị trường chất lượng cao EU.