Đầu tư logistics phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản

Những năm gần đây, logistics Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm đạt từ 14-16%. Môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ, kết cấu hạ tầng logistics đang dần được nâng cao đã góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng và được xác định là lực đẩy để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Thủy sản là một trong những mặt hàng cần hệ thống kho lạnh lớn để bảo quản. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh TRẦN TUẤN)
Thủy sản là một trong những mặt hàng cần hệ thống kho lạnh lớn để bảo quản. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh TRẦN TUẤN)

Logistics là một chuỗi các hoạt động, bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, thủ tục hải quan, đóng gói bao bì, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan… Hiện nay, tại Việt Nam, mặc dù lĩnh vực logistics đã được quan tâm đầu tư phát triển, nhưng chất lượng dịch vụ và các trung tâm logistics lớn vẫn còn thiếu và yếu dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của hàng nông sản ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 200/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế.Bước phát triển mới của logistics

Theo thống kê sơ bộ từ Bộ Công thương, ngoài các cảng biển, cảng hàng không, Việt Nam hiện có 10 cảng cạn và 18 điểm thông quan nội địa (ICD) - là các trung tâm logistics nằm sâu trong nội địa, tập trung ở các thành phố lớn và các địa phương biên giới, có giao dịch xuất nhập khẩu nhiều như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Trong đó, nhiều trung tâm có phục vụ cho mặt hàng nông nghiệp. Ngoài ra, chuỗi cung ứng lạnh cũng được hình thành để phục vụ vận chuyển, bảo quản mát nguyên liệu nông sản, phục vụ sản xuất tại nhà máy và phân phối, lưu thông.

Trong đó, hệ thống kho lạnh ngày càng tăng về số lượng. Ngoài ra còn có hàng nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển. Nhờ logistics phát triển, nền nông nghiệp Việt Nam hằng năm được cung cấp một lượng lớn phân bón, vật tư và thức ăn chăn nuôi; vận chuyển, lưu thông hơn 130 triệu tấn nông sản sản xuất ra và hàng chục triệu tấn sản phẩm nông sản được xuất khẩu khắp thế giới.

Thời gian vận chuyển, lưu thông giảm đáng kể cho nên chu kỳ sản xuất được rút ngắn, vòng quay vốn sản xuất, kinh doanh được tăng lên. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng không ngừng tăng cao. Năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD; năm 2022 đạt kỷ lục hơn 53 tỷ USD; dự kiến năm 2023 sẽ cán mốc thành công 55 tỷ USD. Hiện, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit Nguyễn Nam Phương Thảo cho biết: Logistics đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản. Sau dịch Covid-19, việc kết nối chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngày càng tốt hơn; cước vận tải cũng đã giảm so với trong thời kỳ dịch bệnh; hệ thống kho bãi, container rỗng luôn sẵn sàng phục vụ vận chuyển.

Nhờ đó, hiện năng lực xuất khẩu của công ty là hơn 7.000 tấn/năm đối với thanh long đỏ và trắng, hơn 3.000 tấn/năm đối với các loại nông sản khác như xoài, dừa, mít, nhãn… Công ty đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy đóng gói, trang bị hệ thống kho lạnh, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân nhằm nâng cao năng lực chuỗi cung ứng, bảo đảm chất lượng và giá thành sản phẩm cạnh tranh nhất.

Chưa theo kịp tốc độ phát triển nông nghiệp hàng hóa

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics Nguyễn Tú Uyên cho biết: Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống kho bãi còn manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, xếp dỡ còn thiếu và yếu cho nên thời gian giao hàng chưa kịp thời; chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản cũng còn thiếu dẫn đến dễ hư hỏng sản phẩm.

Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống kho bãi còn manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, xếp dỡ còn thiếu và yếu cho nên thời gian giao hàng chưa kịp thời; chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản cũng còn thiếu dẫn đến dễ hư hỏng sản phẩm.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics Nguyễn Tú Uyên

Bên cạnh đó, phần lớn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực logistics còn thiếu năng lực, kinh nghiệm về đặc tính riêng của hàng hóa nông sản, nhiều doanh nghiệp đầu tư tốn kém cho hoạt động logistics mà vẫn chưa mang lại hiệu quả khiến các chuỗi cung ứng nông sản thường bị gián đoạn, phân tán.

Trong khi khối lượng xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam luôn tăng cao trong những năm gần đây thì các hãng tàu, hãng hàng không chuyên chở hàng tại Việt Nam hầu hết đều thuộc nước ngoài dẫn đến tình trạng bị phụ thuộc về giá cước, thời gian quá cảnh hàng hóa, lịch vận chuyển…

So sánh với Thái Lan, hàng không Thái Lan có đường bay trực tiếp đến Mỹ, châu Âu, Australia, Trung Quốc… với tần suất hằng ngày, cộng với hãng tàu có khoảng 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ và Trung Đông. Về giá cước vận chuyển từ Bangkok đi đến các thị trường quốc tế cũng thấp hơn so với từ Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh từ 1-1,2 USD/kg. Điều này khiến hàng nông sản Việt giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng. Thí dụ với ngành thủy sản, chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30%. Nguyên nhân là Việt Nam vẫn thiếu các trung tâm logistics nông nghiệp đóng vai trò tích hợp vận chuyển, lưu trữ, thu gom và phân phối hàng hóa với các công đoạn cụ thể như: đóng gói, dán nhãn, lắp ráp, bóc tách, phân phối, vận chuyển; liên kết, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc; tư vấn dịch vụ…

Hiện trên cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tuy nhiên tại các khu vực này vẫn chưa có hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp với đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ tốt cho sản xuất và các vệ tinh kết nối theo các cấp từ vùng nguyên liệu đến các trung tâm lớn hơn (tỉnh, vùng) và xuất khẩu. Hệ thống logistics phục vụ thương mại biên giới cũng chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu để kết nối với các vùng sản xuất, kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.

Về sự phát triển của các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết: Số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ít, hoạt động trong lĩnh vực này chưa lâu, đều có quy mô nhỏ cả về vốn và nhân lực.

Thêm vào đó là các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế do hiện mới chỉ tập trung kinh doanh tại thị trường trong nước, ít doanh nghiệp đi ra nước ngoài cũng như hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng chuỗi cung ứng. Các dịch vụ cung cấp của các doanh nghiệp logistics cũng còn đơn điệu, chất lượng thấp, ít giá trị gia tăng, thiếu liên kết.

Nói riêng về thiếu liên kết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thật sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, do vậy chưa có sự gắn bó, phối hợp nhịp nhàng. Sự thiếu liên kết còn thể hiện ngay giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics, do đó chưa hình thành được logistics 4PL là có những nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp đơn lẻ để tạo nên một dịch vụ chung, khép kín hầu hết các khâu trong chuỗi cung ứng.

Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Còn doanh nghiệp logistics thì tăng trưởng chậm, khó vươn xa ra thị trường quốc tế.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước với khối lượng nông sản lớn nhưng đến nay vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Phần lớn quy mô các trung tâm logistics hiện có của vùng khá nhỏ, chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố. Do đó, hầu hết nông sản phải vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ tới khu tập kết rồi mới đưa vào kho lạnh nên tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên tới 20-30%.