Xuất khẩu nông sản tìm cơ hội bứt phá

5 tháng đầu năm 2023, các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á. Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển cộng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Tìm cơ hội bứt phá trong nửa cuối năm 2023 là mục tiêu lớn của các ngành xuất khẩu chủ lực.
0:00 / 0:00
0:00
Trái cây là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Minh Hà
Trái cây là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Minh Hà

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thủy sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%…

Vui, buồn những ngành hàng tỷ USD

Một trong những điểm sáng của xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2023 là mặt hàng gạo, với khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 3,9 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý là giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, những tháng tiếp theo, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt do nguồn cung gạo toàn cầu giảm trong khi nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng cao. Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 giảm nhẹ trong khi tiêu thụ gạo thế giới niên vụ 2022-2023 được dự báo đạt kỷ lục 520 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với dự báo hồi đầu năm và tăng 770 nghìn tấn so với niên vụ 2021- 2022. Dự báo tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ này cũng sẽ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ đạt 173,3 triệu tấn, giảm hơn 10 triệu tấn so với niên vụ 2021- 2022. Ngoài ra, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao những tháng tới.

Cùng với mặt hàng gạo, rau quả Việt Nam cũng ghi nhận mức xuất khẩu kỷ lục trong 5 tháng đầu năm 2023 với kim ngạch 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua khi mở cửa thị trường trở lại sau thời gian dài hạn chế giao thương để phòng chống dịch Covid-19. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đứng vị trí số một về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 804,6 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... cũng đang có xu hướng tăng trưởng rất mạnh, điển hình là thị trường Hà Lan có mức tăng tới 72,3% trong 4 tháng đầu năm.

Bên cạnh mặt hàng tăng trưởng cao thì thủy sản- một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp lại đang giảm tới 25,9% kim ngạch so với cùng kỳ, nhất là hai mặt hàng chính là cá tra đạt 690 triệu USD, giảm 40,7% và tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nguyên nhân là do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Cụ thể như giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20- 30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador, làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng doanh nghiệp thủy sản lại vấp phải sự cạnh tranh cao khi các nhà xuất khẩu các nước khác cũng tập trung xuất khẩu vào thị trường này. Đối với các thị trường Mỹ và châu Âu, lạm phát và suy thoái kinh tế cũng dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút.

Xuất khẩu nông sản tìm cơ hội bứt phá ảnh 1

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tạo đà tăng trưởng vững chắc. Ảnh: Hồng Điệp

Khơi thông các thị trường trọng điểm

Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%. Khơi thông và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm này là yêu cầu đặt ra để tăng tốc xuất khẩu nông sản trong các tháng tới. Đối với thị trường Trung Quốc, Vụ trưởng Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công thương) Trần Quang Huy cho rằng: ưu thế của Việt Nam trong thương mại nông sản với Trung Quốc là vị trí địa lý gần gũi, nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Thời gian qua, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam- Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao. Điều này sẽ có tác động tích cực đến sự khôi phục và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa và các yêu cầu từ phía Trung Quốc khi xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác. Cụ thể, với mặt hàng trái cây, Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu thứ 3 của Trung Quốc, sau Chile và Thái Lan nhưng thời gian tới đây sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh dày đặc hơn. Như mặt hàng sầu riêng, Trung Quốc cũng vừa mở cửa thị trường cho sầu riêng Philippines và tới đây có thể là Campuchia khiến sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa vào khai thác các tuyến vận tải liên vận đường sắt tốc độ cao giữa Trung Quốc với Lào và Thái Lan với tổng chiều dài gần 2.000 km. Tuyến vận tải này theo đánh giá là giúp giảm 20% chi phí vận tải và rút ngắn khoảng 24 giờ di chuyển so với lộ trình trước đó của các đối tác ở Lào và Thái Lan khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi lợi thế về vị trí địa lý dần dần bị phá vỡ.

Đối với thị trường Mỹ, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết: Đây là thị trường có sức tiêu thụ khổng lồ các loại nông sản, thực phẩm. Riêng rau quả tươi, năm 2022 Mỹ nhập khẩu đạt mức hơn 31 tỷ USD, trong đó hơn 19,3 tỷ USD trái cây tươi và đông lạnh, chủ yếu nhập khẩu từ Mexico, Canada,... với các loại bơ, chuối, nho, chanh. Ngoài ra, Mỹ còn nhập khẩu một lượng thủy sản lớn từ các quốc gia. Như vậy, thị trường Mỹ còn nhiều dư địa cho nông sản Việt Nam khai thác, nhất là các loại sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường Mỹ hiện còn một số trở ngại đối với Việt Nam như khoảng cách địa lý khá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, có những loại trái cây như quả vải từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng Mỹ phải mất từ 30-35 ngày. Mặc dù hiện đã có đường bay thẳng đến Mỹ nhưng chi phí vận chuyển vẫn ở mức tương đối cao nên chưa phát huy hiệu quả tốt. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Ecuador, Mexico lại đang có nhiều kinh nghiệm với hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh trạnh, chi phí vận chuyển thấp... Do đó, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề logistics, chi phí vận chuyển, giá cả hàng hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trọng điểm này.