Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho nông sản

Trong những năm qua,  tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho những loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh đã thu hút sự tham gia của nhiều nông hộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất , doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và thu nhập của người nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cắt băng khai mạc phiên chợ vải 2023 tại khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên.
Cắt băng khai mạc phiên chợ vải 2023 tại khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Năm nay, người trồng cây vải ở tỉnh Hưng Yên rất phấn khởi, bởi “được mùa, được giá”. Huyện Phù Cừ là vùng trồng vải lớn nhất tỉnh Hưng Yên, có diện tích hơn 1.000ha; với hai giống chính, gồm: Vải lai chín sớm Phù Cừ được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2016; UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao; trồng chủ yếu ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến; sản lượng từ 12.000 tấn- 12.500 tấn. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020; UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, sản xuất theo quy trình VietGAP; được trồng chủ yếu ở các xã Phan Sào Nam, Minh Tân, với sản lượng khoảng 200 tấn.

Ngay từ đầu vụ, huyện Phù Cừ đã quan tâm chỉ đạo sản xuất quả vải đạt chất lượng cao nhất để phục vụ tiêu thụ sản phẩm tại các hệ thống bán hàng hiện đại, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Đến khi thu hoạch, huyện Phù Cừ phối hợp Sở Công thương tỉnh Hưng Yên tổ chức phiên chợ vải ở Khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, với sự tham gia của nhiều nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm quảng bá, giới thiệu, tìm mối liên kết tiêu thụ và bán được hàng chục tấn Vải lai chín sớm Phù Cừ với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg và gần 2 tấn vải trứng Hưng Yên với giá khoảng 180 nghìn đồng/kg cho người tiêu dùng; đã tạo sức lan tỏa trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ quả vải của huyện Phù Cừ.

Đặc biệt, năm nay vải lai chín sớm Phù Cừ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Liên bang Nga thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Đăng Dương, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ với sản lượng đạt 10 tấn quả vải tươi.

Chị Bùi Thị Hường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Phố Hiến, thành phố Hưng Yên cho biết: Vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ; bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube… nên việc tìm mua rất dễ dàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho nông sản ảnh 1

Các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên tại Phiên chợ vải 2023.

Tỉnh Hưng Yên có khoảng 15.000ha cây ăn quả các loại; trong đó một số nông sản chủ lực có diện tích, sản lượng lớn: cây nhãn có diện tích hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 45.000 tấn. Diện tích cây nhãn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay hơn 1.300 ha; được trồng nhiều ở thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu. Cây có múi diện tích hơn 4.300 ha; sản lượng khoảng 65.000 tấn; chủ yếu là cam Hưng Yên, Cam V2, quýt đường Canh, bưởi Phú Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Hoàng Trạch, được trồng nhiều tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.

Diện tích cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 1.000 ha, cho sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra tỉnh Hưng Yên còn có một số loại cây ăn quả khác như; chuối, vải...

Để tạo “đòn bẩy” mở rộng đầu ra cho nông sản, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại khi đến vụ thu hoạch những loại cây ăn quả chủ lực, như: Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên; Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước và tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Australia.

Tuần lễ Nhãn lồng - nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên tổ chức tại Hà Nội trưng bày, bán Nhãn lồng và sản phẩm chế biến từ nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phiên chợ Vải lai chín sớm; Phiên chợ Cam Hưng Yên được tổ chức tại Khu Đô thị Ecopark, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang...

Những chương trình xúc tiến thương mại đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà vườn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; qua đó đã quảng bá, giới thiệu những loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh Hưng Yên, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, nâng cao giá trị và thu nhập của người nông dân.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho nông sản ảnh 2

Hội nghị xúc tiến thương mại-tiêu thụ nhãn lồng tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết; tỉnh Hưng Yên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế nên diện tích cây ăn quả sẽ được mở rộng, sản lượng sẽ tăng mạnh. Do vậy vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị và tiêu thụ nông sản, nhất là đối với cây ăn quả luôn được tỉnh Hưng Yên quan tâm, giao cho các cấp, ngành triển khai các nhiệm vụ giải pháp: Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn đưa quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất, nhằm mở rộng diện tích canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Tăng cường xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; phát huy hiệu quả Đề án ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.

Hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, vừa tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Hỗ trợ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nhằm đa dạng, chủ động trong việc sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn của tỉnh để sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống kho lạnh, cơ sở sơ chế sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chợ đầu mối tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại; đồng thời tìm hiểu, ký kết tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số hóa.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho nông sản ảnh 3

Vườn nhãn lồng được mùa ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Tích cực tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tư vấn, hỗ trợ công tác đóng gói, vận chuyển sẵn sàng đưa nông sản Hưng Yên đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Kết nối đưa nhãn, cam, vải và một số nông sản tiêu biểu của Hưng Yên tham gia vào các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống phân phối của các tỉnh, thành phố. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của Trung ương và của tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình truyền thông tổng thể đối với nông sản của tỉnh nhằm khai thác tối đa hiệu ứng của truyền thông.

Kết nối, phối hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế để kết nối, tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là các quốc gia như: các nước thuộc ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng bán hàng trực tuyến, kỹ năng marketing; hỗ trợ thực hiện các thủ tục có liên quan để kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh, đặc biệt là với các thị trường có tiềm năng và tương đồng về văn hóa với Việt Nam như: các nước thuộc ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu rau quả trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh để khai thác lợi thế kênh phân phối sẵn có tại các thị trường quốc tế.