Tháng 9/2021, Xưởng sản xuất viên nén đốt từ mùn cưa và gỗ vụn của chị Hoàng Thị Trang, ở xóm Ðông Chiêu, xã Cách Linh, huyện Quảng Hòa đi vào hoạt động. Sản phẩm viên nén đốt thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý nên được thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðan Mạch chấp nhận. Sản phẩm xuất khẩu đều đặn, doanh thu ổn định, xưởng sản xuất của chị Trang đang giải quyết việc làm cho tám lao động địa phương, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng chí Triệu Thanh Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng cho biết, trong giai đoạn 2018-2023, Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã phối hợp tổ chức ba diễn đàn, hội nghị về chủ đề khởi nghiệp lập nghiệp. Tỉnh đoàn cũng tổ chức hai “Chuyến xe khởi nghiệp”, tổ chức đưa đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học tập các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu tại các tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn; tổ chức bốn cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng, thu hút hơn 150 mô hình, dự án phát triển kinh tế tham gia dự thi.
Từ những ý tưởng tham gia dự thi, nhiều thanh niên đã cụ thể bằng hành động, áp dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao. Ðến nay, Cao Bằng có 161 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên các lĩnh vực như nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp, trồng trọt, dịch vụ gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tiêu biểu như mô hình “áp dụng công nghệ cao trồng dâu tây và hoa hồng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp” của Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Anh, xã Hưng Ðạo, thành phố Cao Bằng; mô hình “trồng nho thương phẩm kết hợp du lịch nông nghiệp” của anh Triệu Hoàng Thành, phường Ðề Thám, thành phố Cao Bằng; mô hình “Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững gắn với nghề đan nón Tày và bện ghế rơm” của chị Nguyễn Kim Phương, ở xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh…
Các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh Cao Bằng cũng quan tâm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn có lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ðến nay, tổ chức đoàn trong tỉnh đang quản lý 455 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ hơn 762 tỷ đồng, cho 12.103 hộ vay. Trung tâm Phát triển thanh thiếu niên Việt Nam hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng triển khai mô hình trồng cây thạch đen cho 30 đoàn viên, thanh niên ở xã Ðức Thông, huyện Thạch An. Bên cạnh đó, mô hình Câu lạc bộ Ðầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Cao Bằng đã phát huy hiệu quả tích cực trong trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tư vấn, cố vấn và tặng quà, động viên, khích lệ các bạn trẻ dấn thân, đầu tư, khởi nghiệp.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn Cao Bằng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phối hợp, hỗ trợ thanh niên “lập thân, lập nghiệp”. Anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh kiến nghị, Cao Bằng cần quan tâm, nghiên cứu, xem xét, bố trí kinh phí, xây dựng chính sách dễ tiếp cận, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp chất lượng của thanh niên số tiền khoảng một vài chục triệu đồng/dự án. Qua đó, hỗ trợ, khích lệ, động viên và “kích cầu” đưa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên sớm đi vào thực tiễn.