Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023

NDO - Chiều 4/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tới báo chí tại Họp báo. (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tới báo chí tại Họp báo. (Ảnh: VGP)

Thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, sẽ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

"Việc này không phải khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ mới làm mà đây là chức năng và nhiệm vụ", Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, nêu rõ trong thời gian vừa qua, thông qua giám sát và thông tin phản ánh từ thị trường, từ các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã triển khai công tác thanh tra.

Ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Có rất nhiều thông tin chi tiết đã được Bộ Tài chính công bố công khai. Bộ cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này và tiếp tục công bố.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, kế hoạch của Bộ Tài chính là từ đầu năm 2023 sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Tới hết năm 2023, sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Bộ tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.

Bộ Tài chính đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 ảnh 1

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP)

Hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải

Về việc cung ứng điện từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, qua tổng kết 6 tháng đầu năm cho thấy, nhu cầu về điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân tăng, trong khi tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu ước đạt 136,09 tỷ kWh, cao hơn 2,2% so cùng kỳ.

Ông Hải cho rằng, trong 4 tháng đầu năm việc cung ứng điện cơ bản đáp ứng đủ cho sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng, song từ tháng 5 và 6 do nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, trong khi thủy văn không thuận lợi, đặc biệt ở khu vực phía bắc, cũng như khó khăn trong việc vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng tới tình hình cung ứng điện. Do vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tiết giảm, cắt điện tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, những ngày cuối tháng 6/2023, lưu lượng nước cải thiện, mực nước các hồ đã nâng cao. Một số tổ máy nhiệt điện đã được khắc phục kịp thời, bên cạnh đó là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Công thương. Nhờ vậy, hệ thống điện đã đáp ứng được nhu cầu phụ tải.

Đề cập việc cung ứng điện tháng 7 và 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, công tác vận hành hệ thống điện trong tháng 7 vẫn còn khó khăn, đặc biệt tại miền Bắc sẽ có các đợt nắng nóng kéo dài, mực nước hồ thủy điện dù cải thiện nhưng còn thấp.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN bám sát và liên tục cập nhật diễn biến thực tế của phụ tải điện, vận hành thị trường điện… nhằm bảo đảm vận hành điện an toàn, ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống khó khăn. Trường hợp ảnh hưởng bất thường đến an ninh cung cấp điện, phải báo cáo kịp thời Bộ và các cấp có thẩm quyền xem xét phối hợp chỉ đạo.

Bộ đã yêu cầu EVN phối hợp các khách hàng sử dụng điện lớn, chuẩn bị kịch bản, kế hoạch Chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm an ninh hệ thống điện, thực hiện đồng bộ 4 giải pháp, gồm cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, hạn chế tối đa sự cố và nhanh chóng khắc phục sự cố nếu có; vận hành hợp lý nguồn thủy điện và làm tốt công tác tiết kiệm điện; lâu dài hơn những năm tới là đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.

“Trên cơ sở tính toán, từ nay đến cuối năm 2023 cơ bản không thiếu điện để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước,” ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan tới điện mặt trời áp mái, Thứ trưởng Công thương cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh việc đầu tư điện mặt trời mái nhà nhằm phát triển bền vững, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Dẫn Quyết định số 500 của Thủ tướng Chính phủ, ông Hải nêu rõ, từ nay đến 2030, công suất các nguồn điện này ước tính tăng thêm 2.600 MW và loại hình này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất với điều kiện giá thành hợp lý, tận dụng lưới điện sẵn có không phải nâng cấp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công thương đã trình Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, lắp đặt tại nhà ở, trụ sở, công sở của các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét quyết định.