Cần bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất

Thời gian qua, tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã linh hoạt thích ứng, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với lịch cắt điện, đồng thời, kiến nghị ngành chức năng các giải pháp để bảo đảm cung ứng điện đầy đủ, liên tục.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Từ cuối tháng 5 đến nay đã xảy ra tình trạng cắt điện tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ngày 17/6, các Khu công nghiệp Minh Khai, Nam Thăng Long, Thái Minh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã bị cắt điện từ 8 giờ đến 16 giờ. Ngày 18/6, một phần Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cũng bị cắt điện từ 8 giờ đến 16 giờ...

Bên cạnh lịch cắt điện luân phiên được ngành điện thông báo trước, không ít trường hợp, các doanh nghiệp bị cắt điện đột ngột do tình trạng quá tải, cần cắt điện để bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Tại các doanh nghiệp sản xuất nhôm, do đặc thù của ngành sản xuất kim loại là cần cung ứng điện liên tục, bảo đảm đủ thời gian để nấu luyện một mẻ hợp kim (từ 4 đến 6 tiếng tùy công nghệ), cho nên việc cắt điện đột ngột khiến các dây chuyền sản xuất dở dang, sản phẩm bị hư hỏng không thể khắc phục, không đáp ứng chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp tìm nhiều giải pháp ứng phó. Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã mua thêm máy phát điện để có thể duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, máy phát điện có công suất thấp, chỉ đáp ứng được một vài khâu sản xuất, còn các khâu dùng đến máy cắt, máy mài thì vẫn bị gián đoạn. Việc sử dụng máy phát điện với nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn là khó khả thi do các loại máy móc, động cơ vận hành tiêu hao lượng điện năng lớn, công suất của máy phát không đủ để đáp ứng.

Chưa kể, việc đầu tư máy phát điện công suất lớn khá tốn kém. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tây Bắc Đô (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã bám sát lịch cắt điện, cân đối lại hoạt động bằng cách tăng thêm giờ làm vào những ngày có điện. Vào những ngày mất điện, công ty tập trung vào các công đoạn không cần sử dụng đến máy móc nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành đơn hàng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Trương Hoàng Hải cho biết: “Tình trạng cắt giảm điện luân phiên đang tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi, nhưng bên cạnh việc tìm kiếm đơn hàng, nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp còn cần nguồn năng lượng ổn định giúp duy trì máy móc thiết bị và đáp ứng tiến độ. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong các cơ quan chức năng cố gắng thông tin sớm về lịch cắt điện để doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí thời gian làm việc hợp lý, giảm thiệt hại”.

Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam Nguyễn Minh Kế cũng kiến nghị, để giảm thiệt hại cho sản xuất, ngành điện cần phối hợp cơ quan khí tượng thủy văn để đưa ra dự báo về thời tiết các khu vực. Từ đó có kế hoạch điều tiết điện để tránh quá tải trong ngắn hạn từ ba đến năm ngày, hạn chế tối đa việc cắt điện sản xuất đột ngột. Hội cũng đề nghị các đơn vị phân phối điện ưu tiên cung ứng điện cho sản xuất, nhất là ngành sản xuất kim loại.

Trường hợp cần giảm tải khẩn cấp, thì nên trao đổi với doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có phương án cắt điện linh hoạt ở một số trạm điện trong doanh nghiệp, không nên cắt toàn bộ nguồn cung cấp điện khiến doanh nghiệp phải dừng sản xuất.

Theo Sở Công thương Hà Nội, trong cao điểm nắng nóng mùa hè, tổng sản lượng điện năng tiêu thụ tháng 5, tháng 6 tại Thủ đô đã cao hơn tới 25% so với tháng 4/2023.

Trong khi đó, tình hình cung cấp điện đang gặp nhiều khó khăn do một số nhà máy nhiệt điện bị sự cố và mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước hầu hết đều trong tình trạng thấp hoặc dưới mực nước chết. Đây là nguyên nhân dẫn đến hệ thống điện bị thiếu hụt khả năng cung ứng điện, dẫn đến phải thực hiện tiết giảm phụ tải điện.

Trong các ngày từ 17/5/2023 đến 3/6/2023, Sở Công thương đã ghi nhận 534 lượt ngừng cấp điện không có kế hoạch tại bảy Công ty Điện lực trên địa bàn, ảnh hưởng lớn tới bảo đảm cung ứng điện của thành phố.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, ngay từ đầu năm 2023, ngành Công thương Hà Nội đã phối hợp Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, nhất là trong giai đoạn cao điểm hiện nay.

Các ngành chức năng thỏa thuận với khách hàng công nghiệp-xây dựng-thương mại về phương thức tiết giảm điện khi hệ thống thiếu điện hoặc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh hợp lý để giảm công suất tiêu thụ điện; tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, quản lý nhu cầu điện chung của thành phố.