Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải quản trị rủi ro với 3 tuyến bảo vệ độc lập

NDO - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có văn bản về việc thực hiện quản trị rủi ro gửi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Nâng cao triển khai hệ thống quản trị rủi ro

Công văn cho biết, căn cứ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Thông tư số 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 của Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (doanh nghiệp) triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.

Theo đó, Cục yêu cầu các doanh nghiệp thiết lập, triển khai thực hiện hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật.

Trong đó, cơ quan quản lý lưu ý các doanh nghiệp phải tổ chức quản trị rủi ro với ba tuyến bảo vệ độc lập tại: Các bộ phận nghiệp vụ; bộ phận quản trị rủi ro, kiểm toán tuân thủ và các bộ phận kiểm soát khác; bộ phận kiểm toán nội bộ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nhận dạng các rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro đối tác (bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro gian lận), rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác theo đánh giá của doanh nghiệp bảo hiểm có thể gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng cần theo dõi trạng thái rủi ro và đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro để bảo đảm an toàn trong hoạt động; lập các báo cáo nội bộ về theo dõi rủi ro và gửi đến các cá nhân, bộ phận có liên quan.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kiểm soát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo các hạn mức rủi ro tương ứng; kiểm tra sức chịu đựng theo quy định, có các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời các rủi ro để bảo đảm tuân thủ các hạn mức rủi ro.

Cũng tại công văn này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp triển khai hoạt động kiểm soát nội bộ theo quy định pháp luật, bao gồm thiết lập các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và tổ chức thực hiện đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu theo quy định pháp luật.

Không được đầu tư quá 30% vốn đầu tư cùng nhóm có quan hệ sở hữu lẫn nhau

Mặt khác cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và quy định pháp luật; trong đó lưu ý không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau, không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ gửi tiền tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng.

Công văn cũng chỉ rõ, trường hợp thuê ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động thuê ngoài theo quy định tại Điều 90, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

Trong đó, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp cần lưu ý thiết lập quy trình thuê ngoài, quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động thuê ngoài và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh từ việc thuê ngoài, đặc biệt là rủi ro liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm

Cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng thực hiện, điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động thuê ngoài trong trường hợp phát hiện hoạt động thuê ngoài có ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu các doanh nghiệp có phương án dự phòng bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài không thể thực hiện hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm đối với hoạt động thuê ngoài theo quy định tại hợp đồng thuê ngoài.

Cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 128, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

Mặt khác, cơ quan quản lý yêu cầu thực hiện kiểm tra, giám sát các khoản doanh thu, chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm bảo đảm tuân thủ pháp luật về thuế, pháp luật kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

“Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, các bộ phận có liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các quy định pháp luật liên quan, tự chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động; thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với bên mua bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân có liên quan và Nhà nước theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 108, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022”, công văn của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu rõ.