Tái hiện Tết Đoan Ngọ cung đình xưa tại Hoàng thành Thăng Long

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã tái hiện nhiều nghi thức cung đình xưa trong dịp Tết Đoan Ngọ, cũng như một số phong tục dân gian trong dịp Tết quan trọng này. Qua đó, giúp công chúng hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của người Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian trưng bày, giới thiệu nghi lễ cung đình trong Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long xưa.
Không gian trưng bày, giới thiệu nghi lễ cung đình trong Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long xưa.

Ngày 21/6 (tức ngày 4/5 âm lịch), tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”.

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Đây là một ngày tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á.

Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ, tết quan trọng bậc nhất. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Trong cung đình, Tết Đoan Ngọ nhà vua chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, ban sức khỏe, bình an cho muôn nhà.

Tết được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình. Trong dân gian, các hoạt động đón Tết Đoan Ngọ cũng diễn ra hết sức phong phú.

Năm nay, lần đầu tiên, các nghi lễ cung đình trong ngày Tết Đoan Ngọ thời Lê được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long diễn giải một cách hệ thống, chân thực và sinh động thông qua hệ thống pano, tranh vẽ mô phỏng không gian cung đình cổ kính, với hình ảnh nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng thiết triều, đề thơ lên quạt và truyền ban thưởng quạt cho các quan.

Tạo điểm nhấn cho không gian trưng bày còn có bộ sưu tập quạt the đặc sắc, dòng quạt quý thường dùng cho các bậc vua chúa, quan lại, quý tộc xưa, vừa là vật dụng che mưa nắng, vừa là một tác phẩm nghệ thuật, được tạo tác bởi những nghệ nhân tài hoa.

Không gian trưng bày cũng giới thiệu nhiều phong tục độc đáo của người dân kinh thành Thăng Long xưa, như: Tục đeo túi thơm, buộc chỉ ngũ sắc, bôi hùng hoàng cho trẻ em, tục hái lá thuốc vào giờ ngọ, tục kết ngải hình con giáp…, thông qua việc tái hiện các hàng phố thuộc khu phố cổ Hà Nội là Hàng Quạt, Hàng Mụn, Hàng Thuốc...

Đến với chương trình, du khách còn được nghe những câu chuyện đầy màu sắc về phong tục “diệt sâu bọ”, những bí quyết làm nghề quạt giấy đầy tinh tế và khéo léo từ các nghệ nhân, thợ nghề truyền thống…

Tại lễ khai mạc, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên thực hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế, tái hiện nghi lễ ban quạt của nhà vua cho quần thần.

Theo PGS,TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học-Lịch sử Việt Nam, việc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội chú trọng đến công tác nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa phi vật thế, đặc biệt là nghiên cứu những nghi lễ trong cung đình trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long là điều hết sức cần thiết và cần tiếp tục phát huy.