Số lượng ứng dụng AI đang phát triển nhanh chóng và được sử dụng ngày một rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, không ít ứng dụng công nghệ bị lợi dụng để tạo ra những hình ảnh, thông tin sai lệch.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, các nền tảng công nghệ mới như AI đang góp phần khiến thông tin giả với các tư tưởng thù hận và dối trá tràn lan trên không gian mạng, qua đó kích động xung đột, bạo lực và giết chóc.
Số lượng ứng dụng AI đang phát triển nhanh chóng và được sử dụng ngày một rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, không ít ứng dụng công nghệ bị lợi dụng để tạo ra những hình ảnh, thông tin sai lệch.
Giới quản lý của các nước trên thế giới đang khẩn trương tìm cách kiểm soát tác động tiêu cực tiềm tàng của AI mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển và đổi mới nhờ công nghệ.
Các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 14/6 đã bỏ phiếu thông qua quan điểm đàm phán về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo, nhằm sớm ban hành khuôn khổ pháp lý để quản lý các hệ thống AI, song không kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này.
Ưu tiên của EP là bảo đảm các hệ thống AI được sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU) an toàn, minh bạch, có thể giám sát, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường.
EU sẽ phân loại và quản lý các hệ thống AI dựa trên mức độ nguy cơ mà các ứng dụng này có thể đe dọa tới sức khỏe và quyền cá nhân trong các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, việc làm, an ninh, di cư, cơ sở hạ tầng…
Các nền tảng công nghệ mới như AI đang góp phần khiến thông tin giả với các tư tưởng thù hận và dối trá tràn lan trên không gian mạng, qua đó kích động xung đột, bạo lực và giết chóc.
Nếu EP và 27 nước thành viên EU đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay như mục tiêu đề ra, khối này sẽ có một bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI.
Tổng thống Pháp E.Macron kêu gọi EU nhanh chóng thông qua các quy định về AI, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường quản lý cần song hành với khuyến khích đầu tư để phát triển tối đa tiềm năng của công nghệ. Chính phủ Pháp công bố khoản kinh phí 500 triệu euro để thúc đẩy các dự án AI hướng đến cộng đồng.
Trong khi đó, nhân chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Anh R.Sunak cho biết, Anh sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI trong năm 2023. Đây sẽ là cơ hội để các bên thảo luận biện pháp phối hợp hành động nhằm giảm rủi ro từ AI.
Cũng trong tháng 6 này, các thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu hai dự luật liên quan các quy định quản lý AI. Một trong hai dự luật yêu cầu các cơ quan công quyền Mỹ thông báo minh bạch việc sử dụng công nghệ AI khi tương tác với người dân.
Dự luật cũng yêu cầu chính quyền thiết lập cơ chế để người dân có thể khiếu nại về những quyết định mà AI đưa ra. Trong khi đó, dự luật còn lại đề xuất thành lập một cơ quan phân tích để bảo đảm rằng Mỹ luôn dẫn đầu trong cuộc đua phát triển AI.
Bản thân các doanh nghiệp công nghệ cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường nếu công nghệ bị lợi dụng vào mục đích xấu và phát triển sai hướng, đồng thời kêu gọi giới quản lý sớm xây dựng và hoàn thiện các quy định giám sát AI.
Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI, công ty phát hành ứng dụng ChatGPT, tin rằng các công cụ AI hiện nay mới chỉ ở dạng “thô sơ” so với những gì mà chúng có thể đạt tới trong tương lai. Vì vậy, CEO của OpenAI đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế, nhằm giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn chung trong phát triển các ứng dụng công nghệ này.
Đề xuất thành lập cơ quan giám sát AI quốc tế nhận được sự ủng hộ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của các nước trên thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các nền tảng số lần lượt ra đời mà không được đánh giá đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội và con người, vì vậy đây là cơ hội để thế giới rút ra bài học về những sai lầm trong quá khứ.