Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, phân tích và làm rõ những điểm mạnh và hạn chế của AI. Đồng thời, chia sẻ những lợi ích tiềm năng của việc ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Thầy Ngô Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm đào tạo tài năng AI (CoTAI) nhấn mạnh, cách tốt nhất, nhanh nhất để nhà trường và học sinh hiểu đúng về AI là sớm bắt đầu học và khai thác sử dụng thực tế, theo một lộ trình bài bản. Cấm cản và hạn chế sử dụng AI là giải pháp kém hiệu quả, đi ngược xu thế phát triển, gây thiệt thòi và bỏ lỡ cơ hội của học sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cho rằng, để bảo vệ sự riêng tư và bảo mật của học sinh, cơ quan quản lý giáo dục nên thiết lập các hướng dẫn rõ ràng đối với quá trình thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu, cũng như tránh phụ thuộc quá nhiều vào AI. Giáo viên vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ, thấu hiểu nhu cầu và tình cảm xã hội của học sinh.
Chuyên gia chia sẻ về bảo vệ sự riêng tư và bảo mật của học sinh. (Ảnh: ĐÌNH PHÚC) |
Đề cập đến vấn đề giảng dạy AI trong trường học, thầy Nguyễn Việt Trung, Phó Tổng giám đốc KDI Education đã cập nhật về xu hướng thế giới về việc giảng dạy AI và nội dung có thể triển khai cho học sinh.
Đồng thời, mô tả xu hướng về giáo dục AI tại Việt Nam trong thời gian qua, và chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế về thiết kế chương trình, cuộc thi về AI cho giáo viên, học sinh các cấp tại Việt Nam.
Hội thảo hướng đến mục tiêu khuyến khích các trường học tại Việt Nam có thể ứng dụng sự ưu việt của AI trong việc đào tạo ra một thế hệ học sinh mới, sinh ra trong kỷ nguyên số và sử dụng các ứng dụng số một cách hiệu quả.