Béo phì, tiểu đường, tim mạch vì sử dụng nhiều đồ uống có đường
Nguyễn Đức M. (11 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) được xếp vào trẻ thừa cân ở lớp 5, nặng 45 ký. Cùng lớp M., có ít nhất 3 bạn trong tình trạng thừa cân, béo phì. Mẹ của M. cho biết, cậu bé có sở thích đồ ngọt, uống nước có đường thường xuyên và ăn tới 3 bát cơm/bữa. Mặc dù gia đình đã cố gắng sử dụng sữa tươi không đường, sữa chua không đường và hạn chế cho cháu ăn đường, nhưng cháu bé không hào hứng nếu thực phẩm không ngọt.
Một đợt thấy con mệt mỏi, mẹ bé M. đưa con đi khám, siêu âm, phát hiện con bị gan nhiễm mỡ độ 2, chỉ số đường tăng cao. “Lúc ấy gia đình mới tá hỏa thì phát hiện con mình có nguy cơ mắc tiểu đường. Hè này, gia đình phải đồng hành cùng con cai đồ uống có đường, giảm tinh bột và tập thể dục”, mẹ M. nói.
Việc sử dụng đồ uống có đường đã làm tăng năng lượng dung nạp, tăng cân, thừa cân và béo phì, từ đó dẫn tới sự phát triển của một số bệnh không lây như tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Ở Việt Nam, đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người lớn đang gia tăng ngày càng nhanh, trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Đồ uống có đường được định nghĩa là “tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn, và sữa có thêm đường.
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) đã tăng gấp hơn 2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020) trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8% và nông thôn là 18,3%.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Đông Hải, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thừa cân, béo phì xảy ra khi cơ thể có quá nhiều mỡ trong cơ thể, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2. "Người bệnh béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn khoảng 10 lần so với người có trọng lượng cơ thể vừa phải", bác sĩ Hải nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hậu quả sử dụng đường quá nhiều dẫn đến gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, đồ uống có đường còn là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng số ca mắc bệnh đái tháo đường trong cả nước.
Theo số liệu của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF Diabetes Atlas), năm 2015 nước ta có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gần gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.
Minh họa. |
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, uống một lon đồ uống có cồn mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ 2%-32%, có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa hơn 45% và tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành từ 20%-40% so với không uống.
Bên cạnh đó, nguy cơ sâu răng ở trẻ em sẽ tăng 22% nếu trẻ tiêu thụ đồ uống có đường hàng ngày, tiêu thụ nước tăng lực có liên quan đến gia tăng khoảng 2,4 lần xói mòn răng bởi độ pH thấp và lượng đường cao của nước tăng lực.
Giảm sử dụng nước ngọt bằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung.
Riêng với trẻ em từ 2-18 tuổi, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25 gam) mỗi ngày, tức dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Bên cạnh Quyết định 02/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trong đó yêu cầu: Xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; Quyết định 1294/QĐ-BYT Kế hoạch hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng quy định: Xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
WHO cũng nhấn mạnh, bằng chứng cho thấy việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm 20% tiêu thụ nước ngọt, với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá.
Ông Lâm dẫn chứng về hiệu quả của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt ở một số nước cho thấy, tại Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung; làm tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2014-2015.
Ở Hoa Kỳ, ước tính nếu áp thuế thuế trên đồ uống có đường là 1 xu/ounce trong 10 năm sẽ dẫn đến tiết kiệm hơn 17 tỷ đô la Mỹ chi phí chăm sóc sức khỏe; tạo ra 13 tỷ đô la Mỹ doanh thu thuế trong năm 2016.
Để giảm tiêu thụ đồ uống có cồn, theo các chuyên gia, mọi người nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt; hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn ...) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan...), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô...
Mọi người nên hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn; không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác; chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.
Đồng thời, nên ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô; đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn; không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.