Đồ uống có đường – thủ phạm của 180.000 cái chết trên toàn cầu

NDO -

NDĐT - Nghiên cứu mới được trình bày tại kỳ họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy có 180.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới có liên quan đến các loại đồ uống có đường.

Hình ảnh minh họa lượng đường được chứa trong các thức uống có đường phổ biến hiện nay.
Hình ảnh minh họa lượng đường được chứa trong các thức uống có đường phổ biến hiện nay.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đồ uống có đường như nước ngọt làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì. Gần đây, Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg đã cố gắng ban hành một lệnh cấm các thức uống có lượng đường lớn hơn 16 oz (tương đương với 453gr) ở trong thành phố. Tuy nhiên, đề nghị của ông bị tuyên bố vô hiệu bởi một thẩm phán liên bang Mỹ.

Sự liên quan giữa việc sử dụng nhiều đường và các bệnh mãn tính đã được chứng minh từ lâu, tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Tim mạch Mỹ lần đầu tiên xác minh được các ca tử vong có liên quan đến các loại đồ uống có đường trên toàn thế giới.

Để đi đến kết luận, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Trọng lượng và Bệnh học năm 2010, tổng hợp số lượng người sử dụng đồ uống có đường, phân chia nhóm theo độ tuổi và giới tính. Sau đó, họ đã tìm ra số lượng khác nhau tương ứng với tỷ lệ béo phì. Cuối cùng, họ tính toán độ béo phì ảnh hưởng đến các bệnh tiểu đường, tim mạch và một số bệnh ung thư nhất định. Từ đó, họ xác định tỷ lệ tử vong từ các bệnh này, kết thúc với số lượng các ca tử vong có liên quan đến tiêu thụ đồ uống có đường theo độ tuổi và giới tính.

Trong năm 2010 ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đã báo cáo có 25.000 trường hợp tử vong liên quan đến đồ uống có đường. Loại uống có hại này còn liên quan đến 133.000 ca tử vong bệnh tiểu đường, 44.000 trường hợp tử vong bệnh tim mạch và 6.000 ca tử vong do ung thư.

Các tác giả của nghiên cứu này cho biết: “78% các ca tử vong do các đồ uống có chứa quá nhiều đường tập trung ở các nước thu nhập thấp và trung bình, chứ không phải là ở các quốc gia có thu nhập cao”.

Một số số liệu đáng chú ý trong nghiên cứu cho biết 38.000 ca tử vong do bệnh tiểu đường có liên quan đến đồ uống nhiều đường xảy ra ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Đông và Trung Á ghi nhận hầu hết các ca tử vong liên quan đến tim mạch với khoảng 11.000 trường hợp.

Mexico – đất nước có mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người cao nhất, cũng là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do các đồ uống này gây ra, trung bình khoảng 318 trường hợp tử vong trên 1 triệu người trưởng thành. Trong khi đó, Nhật Bản là nước tiêu thụ đồ uống có đường thấp nhất, cũng là nước có tỷ lệ tử vong do đồ uống có đường thấp nhất, chỉ 10 trường hợp tính trên 1 triệu người lớn.

“Phát hiện này của chúng tôi sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới thực hiện các phương pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, chẳng hạn như thuế, chiến dịch truyền thông và giảm sản xuất các loại đồ uống có nhiều đường”, Tiến sĩ Gitanjali Singh, đồng tác giả của nghiên cứu và là một nhà nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại Trường Đại học Y tế cộng đồng của Đại học Harvard cho biết. “Các cá nhân nên uống ít đồ uống có đường và khuyến khích gia đình, bạn bè của họ cùng làm như vậy”.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo rằng phụ nữ nên hạn chế mức sử dụng đường của họ không quá 100 calo mỗi ngày, tương đương mức sáu muỗng cà phê. Đối với nam giới, mức hạn chế là 150 calo, tương đương chín muỗng. Số lượng này ít hơn lượng đường chứa trong một lon nước ngọt 12 oz ( khoảng 300ml).