Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước.
Theo Bộ Y tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vaccine đã bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vaccine cục bộ tại một số địa phương.
Thực hiện nội dung của năm 2023 với mong muốn được tiếp tục thực hiện việc mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV ARV và vitamin A để phục vụ cho các địa phương như các năm trước, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Bộ Y tế đã có đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, thuốc ARV và vitamin A cho trẻ em.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách nhà nước, Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thiếu nhiều vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay, đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.
Để bảo đảm vaccine năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây.
Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu của 63 địa phương liên quan đề nghị mua vaccine trong cả nước. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định như rà soát khả năng cung cấp, năng lực sản xuất cũng như xác định giá theo quy định.
Nhưng thực tế, Bộ Y tế nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Theo đó, các vướng mắc chủ yếu tập trung vào việc mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng như: Việc bố trí kinh phí của địa phương; việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện… và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật đấu thầu đối với các vaccine tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước (do các đơn vị sản xuất trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và không thể mua sắm theo quy định từ điều 21 đến điều 25 Luật Đấu thầu), để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương với nội dung chính như sau:
Đối với 10 loại vaccine (bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine phòng lao đông khô (BCG); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); viêm não Nhật Bản; viêm gan B; Sởi; sởi-rubella (MRVAC); bại liệt (bOPV)) và rota sản xuất trong nước: Giao cho Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vaccine gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.
Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2024.