TỪ PHỐ THỊ ĐẾN BUÔN LÀNG

Tư duy nhiệm kỳ

Trong một cuộc tiếp xúc với chúng tôi gần đây, một lãnh đạo ngành ở một tỉnh Tây Nguyên tỏ ra e dè khi phải nhắc đến những chương trình, dự án thiếu hiệu quả mà nhiệm kỳ trước ông từng triển khai thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00

Một vị khác thì “giải trình” một cách khó khăn khi phải nhắc đến những quyết định nóng vội, chưa thật sự hợp lý mà thế hệ lãnh đạo trước ông đã từng đưa ra. Và rồi, đặt vấn đề với báo chí trong xử lý thông tin, rằng: “thông cảm vì chuyện đã rồi”, rằng: “đó là những vấn đề hết sức tế nhị”…

Dù không nói ra nhưng chúng ta thừa hiểu là các quan chức nêu trên ngại rằng, nếu họ thẳng thắn phát biểu chính kiến thì rất dễ bị những lãnh đạo ở thời kỳ trước sẽ cho đó là thiếu sự tôn trọng, là không chung thủy, là coi thường…

Một thực tế đã và đang diễn ra ở một số ngành, địa phương là tầm nhìn, chương trình, kế hoạch của mỗi thời mỗi khác, chưa thật sự phát triển theo một hệ thống, kết nối thành một chuỗi thống nhất, mang tính tiếp nối, kế thừa.

Thậm chí không phải là những chương trình được triển khai theo những định hướng đã được dự báo khoa học và chuẩn bị kỹ lưỡng. Chưa kể, ở không ít trường hợp mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo là một “cách” xử lý. Đôi lúc các chương trình đó thay đổi ngay trong một thời gian rất ngắn khi vị trí lãnh đạo chủ chốt được thay thế bởi một nhân vật khác.

Các chiến lược ấy thể hiện rất rõ dấu ấn cá nhân của người đứng đầu hay những người đứng đầu của một nhiệm kỳ lãnh đạo. Các quyết sách đó thể hiện tâm huyết và một tầm tư duy mới nhưng cũng có lúc lại mang nặng cảm tính cá nhân. Mỗi một nhiệm kỳ, mỗi lãnh đạo thường đưa ra những câu “khẩu hiệu” của riêng mình mà sau khi “mệnh lệnh” đó được “phát hành” thì tất cả các nhân viên cấp dưới, các cơ quan trực thuộc đều thuộc và thể hiện thường xuyên tại các cuộc hội nghị, trong các văn bản, báo cáo.

Để rồi, chỉ sau một thời gian ngắn, khi lãnh đạo đó được thay thế bởi một người khác thì lại ra đời những nội dung, “mệnh lệnh” mới và tinh thần các cuộc hội nghị, các diễn đàn, các văn bản lại được thay đổi theo ý của người lãnh đạo đương nhiệm…

Tư duy nhiệm kỳ với những bất cập đi kèm đang bào mòn những nhân tố mang tính cách mạng, cản trở lộ trình phát triển. Nó là một thứ tầm nhìn cục bộ, ngắn hạn, nhằm thỏa mãn cho những ý tưởng có tuổi thọ không vượt quá… một nhiệm kỳ. Hậu quả của nó cũng thật khôn lường.

Bao nhiêu công sức của những người liên quan, bao nhiêu tiền của đã lãng phí, đã đổ sông đổ biển sau sự tính toán, thay đổi của một cá nhân hay một tập thể lãnh đạo trong… một nhiệm kỳ! Không ai muốn đổ lỗi cho những sai lầm của quá khứ. Tuy nhiên, cần phải nhận ra những nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục cho những sai lầm của thời đã qua với ý thức mong muốn nó không lặp lại.

Và dĩ nhiên, phải để cho những người gây nên sai lầm hiểu được “cái giá” qua những “di sản” mà họ gửi lại cho tương lai. Và rồi, như một lẽ tất nhiên, những người đương nhiệm hôm nay chẳng ít lâu nữa cũng sẽ trở thành… tiền bối. Nếu không rút kinh nghiệm, rất dễ những người kế vị của họ trong tương lai nguy cơ cũng sẽ lặp lại tình trạng phải khó xử trước những gánh nặng mà quá khứ để lại như họ hôm nay.

Với những công bộc của nhân dân đang hành xử quyền lực theo tư duy nhiệm kỳ, rất mong họ hiểu rằng, lộ trình phát triển xã hội, quyền lợi và đời sống nhân dân không có tính nhiệm kỳ.