Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận; các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện các chức sắc tôn giáo cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Thế kỷ 10, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Triều đại Đinh, Tiền Lê đã đặt nền móng để nhà Lý nối ngôi năm 1009. Qua 42 năm, mùa thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô ra Thăng Long, mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc. Hơn 1.000 năm trôi qua, âm hưởng của kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng.
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hằng năm là một hoạt động văn hóa phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua các triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý.
Lễ hội Hoa Lư xưa được các thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam tổ chức như lễ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa đặc sắc.
Hiện nay, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, thể hiện lòng thành kính tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân. Với những giá trị tiêu biểu, lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia’’.
Tạp chí Forbes: Ninh Bình là “Hạ Long cạn” ẩn chứa nhiều kỳ quan thiên nhiên đẹp
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được.
Đồng chí cho rằng, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; kiện toàn tổ chức, bộ máy các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương; khuyến khích bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Ninh Bình cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Sớm hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng để tạo động lực, đột phá phát triển mới.
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng khơi thông nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh.
Thi đấu cờ tướng tại lễ hội Hoa Lư năm 2023. (Ảnh: Lê Hồng) |
Phát triển du lịch, dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp. Xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch và đô thị văn minh, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Tại buổi lễ, các đại biểu và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật có chủ đề “Hoa Lư Ninh Bình - Thiên tình ca non nước”, với nhiều tiết mục đặc sắc. Phần hội thì có nhiều trò chơi dân gian như: Thi đấu cờ tướng, bóng chuyền, cắm trại,...
Lễ hội Hoa Lư năm 2023 diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 30/4.