Đánh thức tiềm năng vùng biển Ninh Bình

Với hàng nghìn héc-ta bãi bồi rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn, cùng bờ biển dài gần 19km có nhiều cửa sông, cửa biển, đảo lớn, đảo nhỏ, song vùng biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình mới chỉ được khai thác nuôi trồng thủy sản. Nhiều tiềm năng, lợi thế còn bỏ ngỏ khiến vùng đất mở Kim Sơn có nghĩa là ‘‘núi vàng’’ chưa ‘‘biến’’ thành vàng.
0:00 / 0:00
0:00
Những cánh rừng ngập mặn vùng ven biển Kim Sơn có thể khai thác phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Những cánh rừng ngập mặn vùng ven biển Kim Sơn có thể khai thác phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên.

Cuộc khẩn hoang của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khi xưa đã hình thành nên huyện vùng biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Kim Sơn có lợi thế hơn 10.000ha bãi bồi; có bờ biển dài, đảo lớn Cồn Nổi, Cồn Mờ, cùng nhiều cửa sông, cửa biển.

Đây là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn, 200 loài chim. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở vùng châu thổ sông Hồng.

Với tiềm năng, lợi thế đó, vùng biển Kim Sơn có thể phát triển mạnh các ngành kinh tế biển tổng hợp như: Du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia; kinh doanh cảng biển, dịch vụ vận tải; nuôi trồng, đánh bắt hải sản...

Khu vực này, nhiều năm qua đã được Trung ương quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng có thể bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn diện trong vùng và kết nối phát triển kinh tế với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng: hệ thống đê biển (từ đê Bình Minh 1 đến đê Bình Minh 4); hệ thống đường giao thông kết nối quốc lộ 10, đường dẫn ra đảo Cồn Nổi dài gần 6km; tuyến đường ven biển, đường du lịch Bái Đính-Kim Sơn; hạ tầng kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản; khu tránh, trú bão cho tàu thuyền; chợ đầu mối thủy sản; hệ thống điện, thủy lợi.

Tuy nhiên, khu vực này mới chỉ tập trung nuôi trồng, khai thác thủy hải sản quy mô nhỏ. Tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn huyện đạt gần 4.470ha; sản lượng năm 2022 đạt 33.500 tấn. Trong vùng hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất ngao, hàu giống, đem lại nguồn thu từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Năm 2022, vùng nuôi ngao Kim Sơn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union cấp giấy chứng nhận ASC, trở thành vùng nuôi ngao thứ hai ở Việt Nam và thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế.

Về Kim Sơn là về với miền đất mới ngọt ngào hương vị phù sa, gió biển và giàu tiềm năng lịch sử, văn hóa. Trong đó, có 69 di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia; có cụm quần thể nhà thờ đá Phát Diệm hơn 100 năm tuổi.

Hiện tại, du lịch ở Kim Sơn chưa phát triển; tài nguyên du lịch biển vẫn còn ở dạng tiềm năng, hầu như chưa được khai thác, nhất là khu vực ven biển.

Mới đây, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nghị quyết về phát triển bền vững vùng kinh tế biển Kim Sơn giai đoạn 2022-2030. Theo đó, Kim Sơn đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê biển Bình Minh 2 đến đảo Cồn Nổi đến năm 2040.

PHẠM VĂN SANG, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kim Sơn

Quan điểm phát triển kinh tế ven biển Kim Sơn là theo hướng kinh tế tổng hợp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ đạt 3.358ha; sản lượng thủy sản đạt 48.400 tấn, trong đó sản lượng ngao, hàu giống đạt 120 tỷ con; giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 500 triệu đồng/ha; diện tích rừng ngập mặn phấn đấu đạt hơn 1.400ha.

Khu vực này còn tập trung thu hút, đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển một số khu công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu biển, các nhà khoa học, chuyên gia về kinh tế: ngoài các mục tiêu nêu trên, việc phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, thương mại ven biển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường, tình trạng sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn là cần thiết.

Do vậy, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường quản lý, thực hiện các quy hoạch vùng biển Kim Sơn; có chính sách, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững không gian biển, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bằng sông Hồng; hoàn thành việc cắm mốc giới, phân định ranh giới quản lý hành chính trên không gian biển giữa Ninh Bình với các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa.