Nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Theo dự báo của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Solutions (Mỹ), tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ phục hồi từ mức 2,6% năm 2021 lên mức 6,8% vào năm 2022. Số liệu thống kê trong quý II cho thấy, GDP tăng mạnh từ 5% lên 7,7% so cùng kỳ năm 2021 bất chấp những tác động tiêu cực từ sự bất ổn đang xảy ra trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

PDữ liệu công bố cuối quý II/2022 cho thấy, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trong vài tháng qua, bất chấp bối cảnh giá hàng hóa tăng cao và các điều kiện tín dụng toàn cầu thắt chặt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tác động đến từ Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của Việt Nam.

Trong nước, các hạn chế do tác động của đại dịch Covid-19 gần như đã được dỡ bỏ hoàn toàn và hoạt động kinh tế thời gian qua phát triển khá thuận lợi nhờ các chính sách thích ứng tốt. Theo đó, Fitch Solutions đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi từ 2,6% năm 2021 lên 6,8% năm 2022. Điều đó sẽ khiến Việt Nam trở thành một nền kinh tế vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế khác ở châu Á.

Từ góc độ các ngành khác nhau, dữ liệu trong quý II cho thấy nền kinh tế vẫn được hỗ trợ rất nhiều bởi ngành công nghiệp và xây dựng, vốn đã mở rộng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Ở các ngành sản xuất quan trọng, chiếm khoảng một phần tư GDP, thậm chí còn hoạt động tốt hơn với mức tăng hơn 11%. Trong khi đó, sản lượng dịch vụ tăng 8,6% và nông nghiệp tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chưa có con số chi tiết hằng quý cho các thành phần GDP nhưng dữ liệu hằng tháng cho thấy sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình đang ở mức tốt. Tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng nhanh trong nửa đầu năm, từ tốc độ trung bình 4,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2022 lên 20,7% trong quý II/2022.

Trong tương lai, ảnh hưởng xấu đến kinh tế trong nước là sự suy thoái kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc. Với chính sách “Zero-Covid” và việc đóng cửa định kỳ ở các thành phố trọng điểm, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại, giảm từ 8,1% năm 2021 xuống còn 3,6% vào năm 2022. Điều này có thể trở thành lực cản đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam do xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc chiếm khoảng 18% GDP, mức lớn hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở châu Á.

Hiện tại, các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn được điều hành một cách phù hợp. Ngân hàng Nhà nước chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất đang được kỳ vọng sẽ chỉ tăng nhẹ 25 điểm cơ bản trước cuối năm 2022. Không giống như hầu hết các khu vực khác trên thế giới, áp lực giá cả ở Việt Nam vẫn được kiềm chế tốt. Lạm phát gần đây đã tăng từ 2,9% so với cùng kỳ vào tháng 5 lên 3,4% so với cùng kỳ vào tháng 6, con số vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát là 4,0%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ thêm cho nền kinh tế trong năm nay bằng cách giảm thuế suất và tăng chi tiêu vốn.

Chỉ số CPI tháng 6 tăng 3,4% do chi phí vận tải tăng (tăng 21,4%) và sự phục hồi của ngành du lịch. Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng mạnh lên giá dầu thị trường thế giới, khiến giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tăng cao. Về giá lương thực, thực phẩm (chiếm một phần ba rổ tính CPI), do chúng ta có khả năng tự cung cấp với các mặt hàng lương thực chính như ngũ cốc và thịt lợn, thịt gà, hải sản... nên tác động đến lạm phát ở đây là khá thấp. Trong thời gian còn lại của năm, giá năng lượng và thực phẩm sẽ tác động chủ yếu đến tỷ lệ lạm phát, nhưng nó sẽ được giảm nhẹ một phần nhờ giá các mặt hàng khác như phân bón, kim loại, kể cả vật liệu xây dựng được dự báo giảm từ mức đỉnh vào tháng 6/2022 (nhưng giá vẫn cao hơn một năm trước).

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm 2022 là 8,5%, cao hơn nhiều so với sáu tháng đầu năm 2021. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành hướng dẫn chương trình hỗ trợ lãi suất. Chương trình này sẽ sử dụng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho vay 2% trong các năm 2022 và 2023, được thiết kế cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính, dư nợ tín dụng được hưởng lợi từ chương trình này ước tính đạt 1.000 tỷ đồng, tương đương 8,8% dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Trong tháng 6/2022, giải ngân vốn FDI đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giải ngân vốn FDI cho sáu tháng đầu năm 2022 là 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn và các quy trình thẩm định đối với các hoạt động mua bán, sáp nhập được nối lại, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc giải ngân vốn FDI và củng cố triển vọng tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Những tác động cơ bản thuận lợi nêu trên sẽ tạo ra một động lực cho tăng trưởng GDP trong những quý tới. Hiện tại, các dự báo về rủi ro kinh tế đối với Việt Nam đang giảm dần. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thận trọng với những tác động từ bên ngoài, như những bất ổn chung quanh triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Nước này đang thực thi chiến lược xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, nếu thành công, có thể giúp tránh tình trạng giãn cách và gián đoạn kinh tế. Nhưng vẫn còn khả năng bùng phát mới của biến thể Omicron và các biến thể phụ dễ lây nhiễm. Trong trường hợp nhu cầu của Trung Quốc suy yếu hơn nữa sẽ tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.