Tháo gỡ vướng mắc cho các khu công nghiệp Đồng Nai

Ðể thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành và hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn, tỉnh Ðồng Nai đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng phần diện tích đất còn lại của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đồng thời triển khai xây dựng thêm 8 khu công nghiệp mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất công nghiệp tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata.
Sản xuất công nghiệp tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata.

Đất công nghiệp cho thuê còn ít

Sau 25 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, đến thời điểm này, trong số diện tích 500ha, khu công nghiệp Hố Nai còn vướng mặt bằng hơn 90ha; trong đó, giai đoạn 1 gần 13ha, giai đoạn 2 hơn 79ha, tập trung chủ yếu ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Hiện nay, các đơn vị liên quan của thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom đang kiểm kê, lập phương án bồi thường cho các hộ dân, tổ chức tôn giáo đối với phần diện tích còn lại để nhanh chóng giải phóng mặt bằng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khu công nghiệp Hố Nai Nguyễn Công Ðịnh cho biết, việc chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng, đưa đất vào sử dụng đã làm ảnh hưởng đến Nhà nước và doanh nghiệp: “Nhà nước sẽ không thu được tiền sử dụng đất và các khoản thuế, phí. Chúng tôi không thu hút được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn cho nên không thu hồi được vốn, trong khi đã phải bỏ ra đầu tư hạ tầng, nhà máy xử lý nước thải”, ông Ðịnh nói.

Từ thực tế ở khu công nghiệp Hố Nai, ông Nguyễn Công Ðịnh kiến nghị, các cơ quan liên quan sau khi thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật về thu hồi đất mà tổ chức, cá nhân không chấp hành thì hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức cưỡng chế. Chính quyền cấp huyện phải quyết liệt hơn nữa trong xử lý dứt điểm từng trường hợp và quản lý chặt không để diễn ra xây dựng trái phép đất nằm trong khu vực quy hoạch khu công nghiệp.

Vướng mặt bằng cũng là điều khiến dự án khu công nghiệp Amata Long Thành với quy mô 410ha, dù có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2015, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, chủ đầu tư khu công nghiệp Amata Long Thành kiến nghị chính quyền các cấp tỉnh Ðồng Nai hỗ trợ nhanh chóng thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất: “Tỉnh Ðồng Nai có vị trí thuận lợi, đặc biệt nhiều dự án hạ tầng trọng điểm sắp được hoàn thành, đưa vào sử dụng cho nên đối tác lớn của chúng tôi rất mong muốn đến Ðồng Nai đầu tư nhà máy. Chính vì vậy, tỉnh có thể bảo đảm quỹ đất cung cấp sẽ tạo điều kiện thu hút thêm nhiều nhà đầu tư”, ông Surakij Kiatthanakorn chia sẻ.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Ðồng Nai, địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với gần 19.000ha. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 32 khu công nghiệp, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Các khu công nghiệp Ðồng Nai đã cho thuê được 6.000ha, đạt hơn 85% diện tích đất cho thuê. Quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp không nhiều, nhất là tại các địa bàn trọng điểm công nghiệp, như: thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch.

Thời gian gần đây, một số thương hiệu hàng đầu trên thế giới về sử dụng công nghệ cao chủ động tìm đến đầu tư, nhưng tỉnh không còn quỹ đất xứng tầm để giới thiệu cho nên doanh nghiệp đến tìm hiểu, rồi lại rời đi. Hiện, diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê của Ðồng Nai chỉ còn khoảng 210ha, hơn 827ha đất trong các khu công nghiệp đang vướng giải phóng mặt bằng.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Ðồng Nai Phạm Văn Cường cho biết, nhằm tạo thêm quỹ đất phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, Ðồng Nai đang tập trung tháo gỡ vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng đối với các khu công nghiệp đã thành lập, với mục tiêu nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và kêu gọi đầu tư, lấp đầy số diện tích còn trống. Cùng với đó, Ðồng Nai đang gấp rút triển khai các bước thành lập 8 khu công nghiệp mới theo quyết định chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Long Ðức giai đoạn 2, Long Ðức 3, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Bàu Cạn-Tân Hiệp, Xuân Quế-Sông Nhạn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, sau khi được phê duyệt quy hoạch, quá trình thủ tục để thành lập các khu công nghiệp mới đang gặp nhiều vướng mắc, như: Thủ tục đầu tư, xử lý đất cao-su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu. Những khó khăn này, chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành và Chính phủ.

Do đó, tỉnh Ðồng Nai rất mong muốn sự quan tâm của Trung ương để sớm tháo gỡ, nhanh triển khai thành lập khu công nghiệp mới, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn, công ty sử dụng công nghệ cao hàng đầu trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành và một loạt dự án giao thông trọng điểm của đất nước được triển khai trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động những năm tới.

Cách đây ít ngày, tại buổi làm việc về các giải pháp phát triển quỹ đất công nghiệp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai cho rằng, thiếu quỹ đất công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giảm sức cạnh tranh của Ðồng Nai. Do đó, các đơn vị liên quan cần có giải pháp tháo gỡ, trước mắt là xử lý ngay những vướng mắc về mặt bằng tại các khu công nghiệp hiện hữu.

Ðối với khu công nghiệp thành lập mới thì nỗ lực thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc về thủ tục. Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai cũng yêu cầu, các cấp ủy trực thuộc xây dựng ngay nghị quyết về vấn đề này để cùng hỗ trợ chính quyền thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng vấn đề thu hút dự án thứ cấp mới, Ðồng Nai phải xác định sẽ không còn dư địa cho những dự án kiểu cũ. Với lợi thế của mình, tỉnh sẽ ưu tiên những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị sản phẩm lớn nhưng tốn ít mặt bằng, năng lượng, nhân công, đồng thời có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách để phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.