Đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại Việt Nam sau 15 năm của giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Đồng thời, là cơ hội để các công dân trẻ của thành phố gặp gỡ, đối thoại với bậc thầy kinh tế học và kỹ thuật nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế tri thức tại Việt Nam.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hướng đến chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, số và bền vững, vì thế đòi hỏi một quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, thực hiện đột phá 3 trụ cột chiến lược về kết cấu hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực.
Trong đó, trụ cột về nguồn lực con người là động lực chính để thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế tri thức.
Phát biểu tại Tọa đàm, sau khi phân tích bức tranh tổng quan và các hình mẫu nền kinh tế tri thức gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và Việt Nam, ông Klaus Schwab chia sẻ: “Đầu tư đào tạo con người giúp Thành phố Hồ Chí Minh tiến đến phát triển bền vững nhưng AI và tự động hóa sẽ làm một số việc làm biến mất, thách thức lực lượng lao động lớn trong công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm cùng diễn giả và đại biểu dự chương trình. |
Vì thế ưu tiên đào tạo nghề và kỹ năng số, để lực lượng này tiếp cận với công nghệ tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng để cạnh tranh toàn cầu”.
Bên cạnh đó, ông cho biết người trẻ Việt Nam là lực lượng đông đảo, sáng tạo, kiên trì và sở hữu tư duy của những công dân toàn cầu.
Thế nhưng, để phát triển kinh tế tri thức hiệu quả trong bối cảnh thế giới thay đổi liên tục, thế hệ trẻ cần phải không ngừng cập nhật tình tình kinh tế thế giới và củng cố tinh thần học tập suốt đời để thích ứng với môi trường mới.
Kỹ năng lãnh đạo được giáo sư Klaus Schwab ví như cơ thể con người với 5 yếu tố: tâm hồn, bộ não, trái tim, cơ bắp và hệ thần kinh.
Tâm hồn đại diện cho mục đích; bộ não cho tri thức; trái tim cho đam mê và lòng trắc ẩn; cơ bắp cho hành động; và hệ thần kinh cho sự kiên cường.
Khi kết hợp 5 yếu tố này, thế hệ trẻ thành phố sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tốt trong tương lai.
Chính vì thế, ông kỳ vọng thông qua diễn đàn đối thoại với các đại biểu trẻ danh dự sẽ giúp giới trẻ thành phố nhận ra tầm quan trọng của việc không ngừng trau dồi kiến thức và trải nghiệm để chuẩn bị cho sự chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức.
Đồng thời, ông cũng cho rằng thế hệ trẻ nên tích cực tìm hiểu các ngôn ngữ mới, nâng cao kỹ năng cá nhân, chủ động tìm hiểu, thực hiện những bài báo, nghiên cứu khoa học về tình hình kinh tế của đất nước và thế giới, đây là điều kiện để công cuộc phát triển đất nước được tiến hành thuận lợi.