Hoàn thiện chính sách phát triển khu công nghiệp

Sau hơn 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) - khu chế xuất đầu tiên được thành lập, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc thiếu chiến lược tổng thể về phát triển khu công nghiệp đang đặt ra những thách thức không nhỏ, thậm chí có thể góp phần kéo chậm lại đà tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) được xây dựng thí điểm theo mô hình bền vững, bảo vệ môi trường.
Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) được xây dựng thí điểm theo mô hình bền vững, bảo vệ môi trường.

Rào cản từ tư duy cục bộ, ngắn hạn

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha. Thế nhưng, song song đó cũng tồn tại thực tế, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.

Trước hết là chưa xây dựng được chiến lược tổng thể về phát triển khu công nghiệp; công tác xây dựng quy hoạch chưa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, cân đối và tối ưu hóa nguồn lực; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác và với xã hội, chưa gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng và địa phương cả nước, chưa có sự gắn kết quá trình phát triển khu công nghiệp với quá trình hình thành và phát triển đô thị từ khâu quy hoạch, đầu tư cũng như công tác quản lý. Các khu công nghiệp, khu kinh tế được quy hoạch khá dàn trải, mang tính cục bộ, thiếu tính kết nối, chủ yếu dựa trên đề nghị của địa phương, dẫn tới hiệu quả kinh tế tổng thể bị hạn chế.

Nhìn vào thực tế, mô hình khu công nghiệp thời gian qua chủ yếu phát triển theo kiểu tập trung công nghiệp đơn thuần, tập trung cho không gian sản xuất, lao động, chưa chú trọng hoàn thiện không gian sống, không gian sinh hoạt cho người lao động khiến đời sống công nhân một số khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thiếu nhà ở và dịch vụ xã hội. Quy hoạch khu công nghiệp chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào dẫn đến sự quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra: "Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, xây dựng, sử dụng đất và đô thị chưa cao. Việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hình thành chuỗi giá trị chưa được chú trọng đúng mức".

Một vấn đề khác, tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp ở trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tại Trung ương, đơn vị đầu mối tham mưu tổng hợp chưa đủ mạnh về cơ cấu tổ chức, nhân sự để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, triển khai mô hình mới và thực hiện chức năng kiểm tra giám sát.

Nguyên nhân của các bất cập trên là do tư duy quy hoạch, xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế còn mang tính cục bộ; chưa quan tâm đúng mức tới lợi ích lâu dài và mục tiêu phát triển cân bằng, bền vững. Hệ thống pháp luật về đầu tư, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường, các yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiếu tính thống nhất, kém hấp dẫn. Tốc độ đầu tư các công trình hạ tầng đầu mối, hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào không theo kịp tốc độ phát triển của nhiều khu công nghiệp. Tất cả những vấn đề trên làm giảm tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân và làm khả năng cạnh tranh về giá trị công nghiệp trên thế giới không được như mong đợi.

Bốn giải pháp tạo động lực tăng trưởng bền vững

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, từng bước khắc phục những tồn tại trong quá trình quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, đòi hỏi phải có nhiều chính sách đồng bộ. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể quốc gia, xác định không gian phát triển cho từng ngành, cụm liên kết công nghiệp theo từng vùng, địa phương, làm cơ sở để xác định phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế theo vùng; xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng các chính sách pháp luật bảo đảm đồng bộ quy hoạch khu công nghiệp với phát triển đô thị trong một phương án tổng thể, thống nhất cho tất cả các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế. Hoàn chỉnh các khái niệm về mô hình đô thị công nghiệp, đô thị sáng tạo nhằm hình thành các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy mô, cấu trúc, tỷ lệ sử dụng đất cho khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để bảo đảm sự phát triển phù hợp giữa khu công nghiệp với đô thị. Gắn quy hoạch chuyên ngành sản xuất với điều kiện phát triển kinh tế có tính tới đặc thù địa phương như tài nguyên, đất đai, dân cư, bảo đảm tiến trình đô thị hóa thuận lợi.

Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách về thu hút nguồn vốn, kiểm tra giám sát nhằm đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bên trong và bên ngoài khu công nghiệp, vừa khai thác hiệu quả của quá trình phát triển khu công nghiệp và bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.

Thứ tư, hoàn thiện mô hình quản lý nhằm giúp cho việc hoạt động quản lý, phát triển sản xuất của Ban Quản lý các khu công nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành trung ương, địa phương được nhịp nhàng, hiệu quả.

Ngày nay, mô hình phát triển khu công nghiệp trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa, bắt kịp tiến trình Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình khu công nghiệp sạch, chuyên ngành, khu công nghiệp phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, tuy vậy số lượng còn hạn chế. Nếu triển khai đồng bộ những giải pháp nói trên, Việt Nam sẽ thu hút tốt hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch sử dụng đất trong khu công nghiệp cần có sự đổi mới, tạo ra tính chiến lược và linh hoạt phù hợp nhu cầu biến đổi nhanh chóng của thị trường bất động sản công nghiệp. Cơ cấu sử dụng đất phù hợp với nhiều loại hình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho loại hình logistics được tích hợp tối ưu.