ILO: Thế giới cần 1 “liều thuốc” công bằng xã hội mạnh mẽ và bền vững

NDO - Nhân Ngày Công bằng xã hội thế giới (20/2), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo khẳng định, điều thế giới cần hiện nay là 1 “liều thuốc” công bằng xã hội mạnh mẽ và bền vững, nhằm tạo động lực để góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa bất bình đẳng trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân trong giờ làm việc tại nhà máy Rafaut ở Villeneuve-la-Garenne, gần Paris, Pháp. (Ảnh minh họa: Reuters)
Công nhân trong giờ làm việc tại nhà máy Rafaut ở Villeneuve-la-Garenne, gần Paris, Pháp. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong tuyên bố nhân Nhân Ngày Công bằng xã hội thế giới năm nay, Tổng Giám đốc ILO nêu rõ, thế giới đang trong hoàn cảnh khó khăn, khi tác động của đại dịch Covid-19 kết hợp với bất ổn địa chính trị, khủng hoảng kinh tế và thiên tai đã kéo lùi tiến bộ xã hội ở nhiều quốc gia.

Theo ông Houngbo, khi nhìn vào xu hướng thị trường lao động hiện tại, bức tranh trở nên ảm đạm hơn. Dự báo của ILO cho thấy, tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ chỉ ở mức 1,0% vào năm 2023, thấp hơn một nửa so mức tăng trưởng của năm ngoái.

Trong khi đó, có hơn 200 triệu người lao động đang sống trong cảnh nghèo đói tuyệt đối. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề.

ILO: Thế giới cần 1 “liều thuốc” công bằng xã hội mạnh mẽ và bền vững ảnh 1

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Gilbert F. Houngbo đưa ra thông điệp nhân Ngày Công bằng xã hội thế giới (20/2). (Ảnh chụp màn hình: Nguồn ILO)

“Vì vậy, những gì thế giới cần bây giờ là 1 “liều thuốc” công bằng xã hội mạnh mẽ và bền vững, vốn là chìa khóa cho các xã hội công bằng và hòa bình”, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh.

Ông Houngbo cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu trên và thúc đẩy việc làm bền vững, bao gồm tạo điều kiện tiếp cận việc làm, bảo đảm quyền tại nơi làm việc, bảo trợ xã hội và đối thoại xã hội, ILO đặt mục tiêu khởi động 1 Liên minh toàn cầu vì Công bằng xã hội trong năm nay.

Tổng Giám đốc ILO khẳng định: “Chúng tôi muốn tạo một động lực toàn cầu để góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa bất bình đẳng, đồng thời bảo đảm rằng công bằng xã hội được ưu tiên ở các hoạt động và hoạch định chính sách ở các quốc gia và trên toàn cầu, trong hợp tác phát triển và trong các hiệp định tài chính, thương mại và đầu tư, nhằm bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.

Người đứng đầu ILO nhấn mạnh, trong bối cảnh khủng hoảng, vẫn có lý do để hy vọng, nếu người dân trên toàn thế giới cùng theo đuổi công bằng xã hội.