Nhân Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc 28/4 năm nay, Báo cáo “Tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, đại dịch Covid-19 đã cho thấy, sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và các chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nhằm bảo đảm sinh mạng trong cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như các cuộc khủng hoảng sau này.
Báo cáo chỉ ra rằng, bài học rút ra từ những kết quả đạt được trong việc xử lý tình hình đại dịch phức tạp có thể giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, cho thấy vai trò của đối thoại xã hội trong việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp ứng phó trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo báo cáo này, trong thời kỳ đại dịch, những chính phủ ưu tiên sự tham gia chủ động của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp đã có thể xây dựng và thực hiện các luật, chính sách và biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Sự hợp tác giữa các bên trong thế giới việc làm là rất cần thiết để bảo đảm rằng các biện pháp đưa ra được người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đồng tình và ủng hộ - và như thế, nhiều khả năng các biện pháp đó sẽ được triển khai hiệu quả hơn trong thực tế.
Ở nhiều quốc gia, sự hợp tác này dẫn tới việc thông qua các yêu cầu pháp lý thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ các biện pháp ngăn ngừa và xử lý các trường hợp nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc đến việc tổ chức làm việc từ xa.
Ở Phần Lan, công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ để xây dựng các biện pháp cho lĩnh vực du lịch và nhà hàng.
Ý, các đối tác xã hội trong lĩnh vực ngân hàng đã thiết lập các nội quy cụ thể về làm việc từ xa, trong đó nêu rõ quyền riêng tư và quyền ngắt kết nối.
Đối thoại ba bên giữa các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động ở cấp quốc gia đôi khi được tiếp tục tham vấn thêm ở cấp khu vực hoặc cấp ngành để có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể.
Các cơ quan quốc gia ba bên về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cũng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cơ quan này thường gồm đại diện của chính phủ (Bộ Lao động, các bộ, ngành và cơ quan liên quan khác), cũng như các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động. Ở nhiều quốc gia, tham gia các cơ quan ba bên còn đại diện của các tổ chức khác như các hiệp hội an toàn sức khỏe nghề nghiệp và các tổ chức học thuật theo cơ chế thường trực hoặc đột xuất.
Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, nhiều cơ quan ba bên về an toàn sức khỏe nghề nghiệp ở các quốc gia đã tham gia vào quá trình ra quyết định ở cấp quốc gia. Họ cũng tham gia quyết định các biện pháp phong tỏa và hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, chiến lược quay trở lại làm việc và các chỉ dẫn hoặc hướng dẫn khác để giảm thiểu tác động của Covid-19.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Khi thế giới tiếp tục phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và quá trình phục hồi không đồng đều, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp ứng phó của các quốc gia. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này về tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc tăng cường an toàn và sức khỏe ở cấp quốc gia và nơi làm việc cần được áp dụng trong những lĩnh vực khác. Làm như vậy sẽ giúp giảm số ca bệnh tật và tử vong liên quan tới nghề nghiệp hằng năm - hiện đang ở mức quá cao”.
Chia sẻ tại Đối thoại Hội đồng Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động nhân ngày 28/4 tại Hà Nội, Giám đốc ILO Việt Nam Ingrid Christensen cho hay, tai nạn và bệnh nghề nghiệp vẫn hiện hữu ngay trong thời kỳ hiện đại năm 2022 này. Trên thực tế, xấp xỉ 3 triệu người đã mất hằng năm do tai nạn nghề nghiệp tại nơi làm việc hoặc do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, thậm chí là do sự phơi nhiễm từ nhiều năm trước đó. Ngoài ra, hàng trăm triệu người đổ bệnh do làm việc hay do các chấn thương nghề nghiệp.
Bà Ingrid Christensen nhấn mạnh, Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc năm nay tập trung vào vấn đề nâng tầm đối thoại xã hội hướng về văn hóa an toàn và sức khỏe. Đối thoại xã hội có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Có thể là song phương, thí dụ tại nơi làm việc, cũng có thể là ba bên hoặc ba bên ++, thí dụ như trong các buổi tham vấn cấp quốc gia. Tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc giải quyết vấn đề về an toàn và sức khỏe đã được ghi nhận trong đại dịch Covid-19, nhưng cũng quan trọng không kém với nhiều lĩnh vực khác ở tuyến đầu chống dịch. Trong đó, bao gồm các biện pháp ứng phó liên quan đến việc làm hay bảo đảm thu nhập, hoạt động doanh nghiệp không bị ngưng trệ, làm việc từ xa, hay an sinh xã hội…
Ngay từ lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ ở các quốc gia đã hợp tác cùng nhau để xây dựng các chính sách và chiến lược tại nơi làm việc để bảo vệ người lao động khỏi virus và các rủi ro liên quan.
Thí dụ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành điện tử ở Việt Nam cùng Chính phủ phối hợp và đối thoại với các bên liên quan thiết kế các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus trong các nhà máy. ILO cũng hỗ trợ các sáng kiến tạo điều kiện cho đối thoại xã hội trong quá trình phục hồi chuỗi cung ứng quan trọng này.
Phương pháp WIND để giải quyết vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hay phi chính thức, bắt nguồn từ Việt Nam. Hiện phương pháp này được áp dụng ở một số quốc gia, là một thí dụ về hướng tiếp cận được xây dựng chính trên cơ sở đối thoại xã hội tại cộng đồng và trong kinh tế phi chính thức. Hiện tại, ILO đang cộng tác với các đối tác để điều chính áp dụng phương pháp này vào lĩnh vực cà-phê.