Cùng dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, có tổng chiều dài 729km, quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353km) và Cần Thơ-Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau), sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào cuối năm 2025. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022.
Các địa phương đã bàn giao giải phóng mặt bằng được 549 trên tổng số 721,2 km, đạt 76%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II/2023. Các địa phương đang lập phê duyệt phương án di dời hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công để di dời trong quý II/2023. Dự án được chia thành 25 gói thầu xây lắp, trong đó: 14 gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đã tổ chức khởi công 12 dự án thành phần vào ngày 1/1/2023; 7 gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng ngày 15/1/2023; 4 gói thầu còn lại đang thực hiện các thủ tục có liên quan để ký kết hợp đồng, dự kiến trước ngày 5/2/2023.
Với các gói thầu đã ký kết hợp đồng, các nhà thầu đang lập kế hoạch triển khai, tổ chức khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ... Một số gói thầu đã tổ chức triển khai thi công (đường công vụ, đào bóc hữu cơ, chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt trạm trộn). Dự kiến, trong dịp Tết Quý Mão, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục đường công vụ, đào bóc hữu cơ, san nền,... tại các đoạn tuyến thuận lợi về địa hình. Các địa phương đã giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng được 6.896 trên tổng số 7.119 tỷ đồng vốn đã bố trí năm 2022, đạt 97%. Các ban quản lý dự án đã giải ngân được 2.348 tỷ đồng trên tổng số 2.422 tỷ đồng vốn đã bố trí năm 2022, đạt 97% (trong đó tạm ứng hợp đồng xây lắp 1.297 tỷ đồng).
Các địa phương đã giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng được 6.896 trên tổng số 7.119 tỷ đồng vốn đã bố trí năm 2022, đạt 97%. Các ban quản lý dự án đã giải ngân được 2.348 tỷ đồng trên tổng số 2.422 tỷ đồng vốn đã bố trí năm 2022, đạt 97% (trong đó tạm ứng hợp đồng xây lắp 1.297 tỷ đồng).
Về mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, với 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa: theo kết quả tính toán nhu cầu vật liệu: tổng khối lượng đá khoảng 17,1 triệu m3; tổng khối lượng cát khoảng 8,95 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 45,3 triệu m3. Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của Tư vấn đã thực hiện khảo sát: 102 mỏ đá với tổng trữ lượng 189,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 82 mỏ với trữ lượng khoảng 152,3 triệu m3; 114 mỏ cát, tổng trữ lượng 33,66 triệu m3, dự kiến sử dụng cát tại 104 mỏ có trữ lượng khoảng 32 triệu m3; 109 mỏ đất đắp, tổng trữ lượng 134,8 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ có trữ lượng khoảng 113,8 triệu m3. Các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.
Với 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau: theo kết quả tính toán, tổng nhu cầu vật liệu của 2 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau: Tổng khối lượng đá các loại khoảng 1,37 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; tổng khối lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án…
Quang cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, đại diện các nhà thầu, một số địa phương đã trình bày tóm tắt với Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai các dự án, những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, nhất liên quan công tác giải phóng mặt bằng, mỏ nguyên vật liệu đất đá…; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ để bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng.
Nhân cuộc họp, bức xúc trước tình trạng mỏ nguyên vật liệu đất đá phục vụ làm đường lại rơi vào tay tư nhân, dẫn đến có tình trạng cấu kết, găm hàng, nâng giá, gây khó khăn việc thi công, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại để chấn chỉnh; Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ một số vụ việc, nếu phát hiện sai phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy khí thế triển khai các dự án cao tốc trên cả nước hưởng ứng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Đây là quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân để thực hiện bằng được mục tiêu này. Hai vấn đề quan trọng nhất là vốn và ý thức của người dân thì đã cơ bản được giải quyết. Vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu này sớm nhất, nhanh nhất, cao nhất. Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta trong cuộc họp này.
Thủ tướng nêu rõ, 20 năm qua, chúng ta mới làm được khoảng 1.000km, 3 năm tới chúng ta phải làm gấp đôi khối lượng đã làm được trong 20 năm qua. Thủ tướng hoan nghênh và cảm ơn các bộ, ngành, địa phương, các nhà tư vấn, nhà thầu đã vào cuộc tích cực; ghi nhận sự hào hứng của nhân dân vào cuộc tích cực. Ý thức của người dân đã chuyển biến rất rõ, do đó chúng ta không được phụ lòng người dân đã hiến đất, hiến nhà, di dời mồ mả… ; tất cả phải hành động để đáp lại tình cảm của người dân.
Thủ tướng nêu rõ, đi thị sát những tỉnh vừa qua, thấy nổi lên mấy vấn đề là giải phóng mặt bằng, do đó chúng ta phải hành động như thế nào để đáp ứng lại ý thức của người dân; phải triển khai nhanh, ổn định cuộc sống cho người dân thì địa phương phải chủ trì công tác giải phóng mặt bằng; các quy định, Nghị quyết đã có rồi, nếu còn vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải cùng Văn phòng Chính phủ phối hợp, tập hợp lại. Giải phóng mặt bằng là công tác quyết định các dự án, được triển khai nhanh hơn giai đoạn trước, nhưng vẫn còn đang vướng.
Tất cả phải hành động để đáp lại tình cảm của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Do đó, các địa phương, chủ đầu tư chủ động giải quyết theo thẩm quyền, vượt quá thẩm quyền thuộc bộ, ngành nào thì gửi trực tiếp cho Bộ trưởng đó. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tập hợp, vấn đề nào thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó giải quyết, thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
Liên quan vật liệu xây dựng, Thủ tướng nêu rõ, tại các địa phương ở phía bắc thì thường đào núi cao ở trình cao hơn, san lấp ở nơi thấp hơn, do đó có thể bù đắp cho nhau. Nhưng từ miền trung đến miền nam thì khác. Mỏ nguyên vật liệu đã giao địa phương để giao các chủ đầu tư, nhà thầu. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, cái gì chưa đúng phải chấn chỉnh, không để xảy ra sai sót; các địa phương phải chủ động rà soát lại cùng các sở, ngành, làm tốt hơn việc này, không để vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu, góp phần giảm giá thành, không để nguồn nguyên vật liệu của mình lại giao lại cho người khác; không để tồn tại kiểu kinh doanh như vậy trong lúc người dân rất khí thế. Chúng ta phải rà soát, quy hoạch lại, điều chuyển nguyên vật liệu giữa các địa phương. Thủ tướng cũng biểu dương những địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa trong giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự phối hợp giữa các bộ với địa phương, nhà thầu với địa phương, các bộ với nhau… thường hay vướng, do đó vướng ở bộ, ngành nào thì Bộ trưởng, trưởng ngành đó chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác giải quyết ngay, không để kéo dài, rút kinh nghiệm làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng nêu vấn đề tồn tại việc chia nhỏ gói thầu, do đó yêu cầu thực hiện giai đoạn 2 phải nâng lên để một gói thầu phải ít nhất từ 50km trở lên; đề nghị Bộ Công an vào cuộc, ai bán thầu sai quy định thì phải chịu trách nhiệm; không thể để gói thầu chia nhỏ quá; không thể có tình trạng đoạn đường 60km mà có tới 30 nhà thầu, như vậy thì làm sao mà không đội vốn, kéo dài.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên, Thủ tướng yêu cầu nhà thầu tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu; Ban quản lý chịu trách nhiệm chính về các vấn đề trách nhiệm. Liên quan vấn đề tư vấn, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt kiểu “ăn xổi ở thì” mà phải tư vấn đến nơi đến chốn, dứt khoát là cao tốc phải ít nhất 4 làn xe, có nút giao, có điểm dừng... Bộ Giao thông vận tải, các ban quản lý dự án phải làm khách quan, công khai, minh bạch, tránh tiêu cực.
Dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xử lý ngay tình trạng ô nhiễm, rác bẩn, mất vệ sinh môi trường ở các điểm dừng trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình.
Về các kiến nghị của các nhà thầu liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, các bộ, ngành đã giải thích và các địa phương phải triển khai làm; trong tháng 2 tới phải giải quyết hết mọi ách tắc, không được để tồn tại vướng mắc; khó khăn thì phải giải quyết; nếu bộ ngành nào không giải quyết, yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, xây lắp, các bộ, ngành, địa phương phải lấy chất lượng công trình đặt lên hàng đầu; bảo đảm tiến độ công trình; lên tiến độ công trình cụ thể, nếu chậm lúc nào phải bù ngay, phải kiểm soát tiến độ; Bộ Giao thông vận tải phải kiểm tra vấn đề này; không để đội giá bất hợp lý.
Thủ tướng chỉ đạo, trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, cảnh quan, tinh thần qua sông bắc cầu, qua núi đồi thì làm hầm, qua ruộng thì san lấp đất cát, cố gắng tránh khu dân cư, khu quân sự, nắn tuyến thẳng nhất có thể, tạo ra không gian phát triển mới, giảm đền bù; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; bảo đảm đời sống của cán bộ, công nhân, hài hòa lợi ích; chống việc bán thầu, thông thầu, thông đồng trong thực hiện gói thầu, ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Công tác tái định cư cho nhân dân phải thực hiện nhanh, kịp thời, đúng chế độ, chính sách; quan tâm đời sống, công ăn việc làm của người dân, bảo đảm người dân đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; tính toán, quy hoạch các nút giao đường cao tốc hiện đại, đồng bộ, làm cao tốc phải ra cao tốc, không thể làm cao tốc chỉ có 2 làn đường; làm đến đâu dứt điểm đến đó, không thể vừa làm xong đường cao tốc thì lại phải tính đến mở rộng vì quá tải.
Bộ Quốc phòng sớm đề xuất các giải pháp liên quan công trình của Bộ Quốc phòng mà tuyến đường đi qua. Rà soát lại việc cấp các mỏ nguyên vật liệu đúng quy định, chấn chỉnh lại việc cấp phép không đúng, đội giá, găm hàng. Chúng ta phải vì đất nước, dân tộc, không thể vì lợi ích của một số người; chú trọng phối hợp chặt chẽ, nhanh, gọn, kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm cho thấy, phải bám sát thực tiễn, giải quyết ngay các khó khăn phát sinh; kiên quyết không chia nhỏ gói thầu nữa, Bộ Giao thông vận tải phải quan tâm việc này, bảo đảm mỗi gói thầu phải ít nhất 50-60km, phải sửa lại các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan việc đấu thầu, chỉ định thầu, bảo đảm người làm thật được thực hiện dự án. Nếu những nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực mà không trúng thầu thì tiêu chuẩn thầu có vấn đề. Tiêu chuẩn đấu giá, chỉ định thầu phải công khai, minh bạch; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát.
Những vấn đề vướng mắc ở giai đoạn 1 phải được chấn chỉnh lại cho phù hợp; xử lý những vướng mắc phải nhanh; về hợp tác đối tác công tư, phải huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra thì những đoạn nào sử dụng vốn hợp tác PPP thì lại làm nhanh, tốt hơn, sớm hơn so dự kiến, trong khi đầu tư công lại kéo dài.
Do đó, chúng ta phải phân tích, phải hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Điểm cân bằng lợi ích này như thế nào thì Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính phải ngồi lại để tính toán. Các địa phương cũng phải chủ động, không “trông chờ ỷ lại”, phải tự lực, tự cường, tập trung đề xuất làm các nút giao cao tốc, tạo không gian phát triển mới, không nên chờ vốn Trung ương.