Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đối thoại “gỡ khó” cho nông dân

NDO - Hàng chục ý kiến của các nhà nông, hợp tác xã và doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, đề cập các nội dung liên quan đến sản xuất và các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp... đã được trình bày và giải đáp tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng với nhà nông.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Sáng 8/11, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với nông dân trong tỉnh năm 2022, chủ đề, “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới”.

Cùng dự và chủ trì, có Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương trong tỉnh.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn quan tâm, chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và nền nông nghiệp địa phương đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Bước đầu, đã tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh, đã khích lệ và tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp và làm giàu trên mảnh đất của mình. Nhiều hộ nông dân, nhất là “nông dân thế hệ mới” trở nên giàu có, nhiều nông sản đã có thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng chí cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, như tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển biến chưa rõ nét; việc thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng; tỷ trọng nông sản và số lượng nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị còn thấp; hỗ trợ chế biến nông sản từ các doanh nghiệp đầu tư chưa mạnh, phát triển chậm so với nhu cầu của địa phương...

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đối thoại “gỡ khó” cho nông dân ảnh 1

Đại diện doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp phát biểu ý kiến.

Tại Hội nghị, các nhà nông, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã nêu 31 ý kiến, gồm 54 nội dung cụ thể, xoay quanh các nhóm vấn đề, như môi trường sinh thái; đất đai, quy hoạch, hạ tầng sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân; liên kết sản xuất và vai trò của quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, chính sách cho thuê đất sản xuất nông nghiệp; công tác quy hoạch sản xuất vùng trồng, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể; công tác quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm tra giám sát chất lượng vật tư đầu vào; điều kiện cho vay vốn sản xuất, quản lý nhập khẩu; chính sách thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến, thúc đẩy tiêu thụ nông sản...

Nhiều ý kiến đã được các sở, ngành liên quan và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S phân tích, giải đáp tại Hội nghị. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến khác để tiếp tục giao các sở, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, trả lời cho các nhà nông và doanh nghiệp; với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới; từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 21 ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đánh giá cao các ý kiến phát biểu thiết thực tại Hội nghị. Đây cũng chính là những vấn đề lãnh đạo tỉnh rất quan tâm.

Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong một số vấn đề. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, trong thẩm quyền của mình, nghiên cứu, đề xuất và ban hành văn bản hướng dẫn, các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững để triển khai thực hiện; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo.

Với các vấn đề liên quan chính sách, giao Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu và những vấn đề về chủ trương, quy định vượt thẩm quyền, Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận để báo cáo Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đối thoại “gỡ khó” cho nông dân ảnh 2

Sản xuất hoa công nghệ cao tại Lâm Đồng.

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương tốp đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện, diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn hơn 63,1 nghìn hecta, chiếm 21% tổng diện tích canh tác; trong đó, có hơn 376ha ứng dụng công nghệ thông minh.

Toàn tỉnh có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt hơn 400 triệu đồng/ha, chiếm tỷ trọng khoảng 35 đến 40% giá trị sản xuất toàn ngành; nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm.