“Tri ân đồng đội” thời chiến và thời bình

Những ngày tháng 7, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra nhiều triển lãm nghệ thuật, trưng bày chuyên đề tưởng nhớ và tri ân các thế hệ người lính. Đến không gian triển lãm “Tri ân đồng đội” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình), người xem có dịp tiếp cận nhiều hiện vật quý lần đầu được công bố, lắng nghe những câu chuyện xúc động về bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu, cống hiến và hy sinh...
0:00 / 0:00
0:00
Không gian trưng bày “Trở về đất mẹ”. (Ảnh ĐỨC ANH)
Không gian trưng bày “Trở về đất mẹ”. (Ảnh ĐỨC ANH)

Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) tổ chức. Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được sắp xếp theo ba khu vực trưng bày với ba chủ đề lớn: “Hy sinh vì Tổ quốc”, “Uống nước nhớ nguồn” và “Sáng mãi niềm tin”.

Bên cạnh những kỷ vật gắn với cuộc sống và chiến đấu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, còn có phong phú các hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân; hay những tấm gương thương binh tiêu biểu trong cuộc sống, vươn lên làm kinh tế, giúp đỡ đồng đội và cộng đồng...

Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Điểm đặc biệt của triển lãm là có những hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng, chẳng hạn như nhóm hiện vật của các liệt sĩ tham gia đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 10/2020.

Ký ức về thảm họa sạt lở đất kinh hoàng còn chưa xa khiến nhiều người xem không cầm được nước mắt khi nghe thuyết minh về bộ quân phục dã chiến của đồng chí Thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 mặc trước lúc hy sinh khi vào cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; cuốn sổ ghi chép công tác cứu hộ và chiếc mũ cối còn lấm lem bùn đất của đồng chí Thượng tá, liệt sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4, hay chiếc đồng hồ đeo tay của đồng chí Thượng tá, liệt sĩ Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 sử dụng trước khi hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ...

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, vì độc lập tự do thống nhất và sự phồn vinh của đất nước, hàng triệu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh trở về mang theo những vết thương không bao giờ lành...

Sự hy sinh cao cả, tinh thần bất diệt và tấm gương sáng ngời của các anh hùng liệt sĩ được thể hiện rõ qua những nội dung trưng bày như “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, “Giữ vững biên cương”...

Ngoài những hiện vật lần đầu được công bố, triển lãm cũng mang đến những hình ảnh quý giá kinh điển, đã đi vào tâm thức bao thế hệ. Chẳng hạn như trong phần trưng bày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” có bức ảnh lịch sử “Quyết tử quân dùng bom ba càng sẵn sàng đánh xe tăng địch (12/1946)”. Bức ảnh do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản ghi lại đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô kháng chiến oai hùng.

Nhân vật trong ảnh là chiến sĩ Nguyễn Văn Thiềng, bí danh Trần Thành, sinh năm 1927 tại số nhà 44 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh là đoàn viên thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, đã tốt nghiệp trường Quân chính Bắc Sơn được biên chế về Tiểu đoàn 212, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Ngày 23/12/1946, giặc Pháp cho xe tăng theo đường Bà Triệu tiến đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu, anh Nguyễn Văn Thiềng đã dùng bom ba càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu-Trần Quốc Toản.

Ngay chiều hôm đó, địch lại cho xe tăng và bộ binh mở cuộc tiến công lớn vào trận địa của ta nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực. Anh Thiềng tiếp tục đánh bom ba càng nhưng bom không nổ, lính Pháp trên xe tăng bắn liên tiếp về phía anh, quyết tử quân Nguyễn Văn Thiềng đã anh dũng hy sinh...

Một số hiện vật tiêu biểu khác được giới thiệu chi tiết và đầy xúc động, như: La bàn của đồng chí Trần Cừ, Đại đội trưởng Đại đội 336, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 thu được của địch ở cứ điểm Đông Khê, được đồng chí sử dụng trong quá trình công tác và tham gia chiến đấu từ tháng 5 - 9/1950; Sổ công tác của đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 325; Quyết tâm thư do cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 ký tên bằng máu gửi đơn vị trước lúc lên đường chiến đấu ở Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1970; Cối giã thuốc được quân y sử dụng trong bào chế thuốc phục vụ thương binh, bệnh binh, bộ đội tại chiến trường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1952-1954; Sách học văn hóa của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang)...

Trong chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, trưng bày được chia thành nhiều nội dung cụ thể như “Cứu chữa, chăm sóc thương binh”, “Đi tìm đồng đội”, “Trở về đất mẹ”, “Hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công”... giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Trong đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ; cung cấp và xác định thông tin liệt sĩ; hoạt động chăm sóc thương bệnh binh, hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công trở thành những hoạt động thường xuyên và lan tỏa trong toàn xã hội.

Một số hiện vật đáng chú ý như: Di vật của các liệt sĩ được tìm thấy tại bản Na Viêng, thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, Lào; ba-lô và dao quắm được sử dụng trong quá trình cất bốc và đựng hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ (1998-2001)...

Những năm qua, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, không ít thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế”, đã vượt qua thương tật, khó khăn, mất mát, phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Không chỉ giúp đỡ đồng chí, đồng đội, họ còn tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, đóng góp tích cực cho quê hương, cộng đồng. Đó là những nội dung trưng bày của phần thứ ba “Sáng mãi niềm tin”. Không gian tại đây trưng bày nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh vận hành.

Một số thương hiệu sơn mài, lụa, nón lá... đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bước đầu chinh phục thị trường quốc tế. Đến xem triển lãm, ông Nguyễn Mộng Lân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Là thân nhân liệt sĩ, tôi vô cùng xúc động và khâm phục khi được tận mắt thấy nhiều hình ảnh, di vật lịch sử của cha ông, cũng như tự hào và biết ơn khi được sống trong hòa bình”.

Triển lãm “Tri ân đồng đội” mở cửa đón khách đến hết ngày 10/8. Thông tin về triển lãm cũng được cập nhật trên website chính thức của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (http://baotanglichsuquansu.vn/) phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng.