Họa sĩ Saeko Ando:

Đóa anh đào trên tranh sơn mài

Đất lạ nên quen

Tháng 10 - 1995, Saeko Ando dừng chân ở Việt Nam. Chỉ định ở một thời gian ngắn thôi, nhưng chị cảm thấy thích thú với nền văn hóa Việt Nam - vừa chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, lại vừa có sự giao thoa văn hóa Trung Quốc và Đông - Nam Á, nên Saeko quyết định ở lại tìm hiểu thêm.

Chị đi tàu hỏa từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, rồi ngồi trong chiếc xe đò lèn khách như hũ nút, đi đường đầy khói bụi và mệt nhọc, sang Phnom Penh để làm tiếp Visa vào Việt Nam.

Chị nhớ lại: "Những ngày đó, người Việt Nam còn khép kín. Chả mấy ai cười với tôi! Khi ấy, ý nghĩ của họ về người nước ngoài vẫn chưa thực sự bình thường như bây giờ. Nhưng khi ốm một trận, tôi đã không thể ngờ rằng những người tưởng chừng lạnh lùng ấy lại giúp một cách vô tư. Họ mua thuốc hộ tôi, giới thiệu cho tôi một bệnh viện quốc tế. Ngay cả lúc ấy, họ vẫn chưa cười như bây giờ...".

Những ấn tượng không tốt ban đầu bay biến. Và chị tiếp tục ở lại sống thật tằn tiện trong một phòng nhỏ thuê ở phố Cầu Gỗ, rồi sang khu ký túc xá 7Bis của Trường ĐH Bách khoa.

Có một dạo, dường như ngẫu nhiên, Saeko thường đi qua những gallery trong khu phố cổ và bị cuốn hút bởi nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Từ đó, chị quyết tâm theo đuổi.

Bước chân đầu tiên

Năm 1996, Saeko đến học tranh sơn mài với họa sĩ Trịnh Tuân. Năm 1997, nhờ họa sĩ Bùi Tuấn Thành giới thiệu, chị đến xưởng tìm nghệ nhân Doãn Chí Trung - học trò của ông, người tài ba cả vẽ lẫn làm vóc.

Anh Trung có một xưởng sơn mài, nơi nhiều họa sĩ cùng tụ họp, trao đổi và sáng tạo.

"Mới học việc thì phải quét tước, dọn dẹp đấy, nhưng tôi được miễn - chị cười - Vì mình đã lớn tuổi (gần 30 rồi còn gì!). Và đã biết vẽ, biết làm việc, nên tôi được bắt tay vào luôn".

Chí Trung dạy thật nhiệt tình và Saeko nhập cuộc y như cuộc sống của mình phải thế. Hồi bé, mẹ của chị thường vẽ tranh minh họa cho những câu chuyện mà bà kể với các con. Saeko lớn lên trong không khí yêu và chơi nghệ thuật của gia đình nên mọi việc lúc ấy với chị thật thân quen lắm.

Một tác phẩm sơn mài của Saeko

Từ những mảnh vỏ trứng, những lá vàng, lá bạc mỏng manh, những lượt sơn, thếp, mài cần mẫn khiến người vẽ mỏi rời rã, sản phẩm và những tác phẩm của chị thành hình. Chị mua sách ở Việt Nam và Nhật, tìm hiểu, so sánh, đi sâu vào nghệ thuật sơn mài của hai nước, để có những tích lũy quý báu cho từng tác phẩm.

Đã thành duyên nợ

Hơn 10 năm ở Việt Nam, Saeko Ando cũng khó nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu bức, đã có bao nhiêu họa sĩ, nhà chuyên môn, công chúng đến và trân trọng, thích thú những tác phẩm của chị.

Saeko đã tổ chức ba triển lãm tranh sơn mài cá nhân ở Hà Nội, một ở TP Hồ Chí Minh, một cuộc nữa chung với họa sĩ Nguyễn Huy Hoàn ở Cây Sơn, 135 Nghi Tàm (Hà Nội), là công ty của chị với Hoàn và các bạn bè khác mới thành lập năm ngoái. Ba triển lãm riêng của chị cũng đã đi qua các thành phố Kobe, Kyoto và Nagoya của Nhật.

Ngay trong những ngày này, cuộc triển lãm mà chị tham dự đang lần lượt giới thiệu về tranh sơn mài Việt Nam ở Kyoto, Tokyo và Saporo.

Nhật Bản cũng có nghệ thuật sơn mài, nhưng thường ứng dụng vào thủ công mỹ nghệ và thể hiện tranh sơn mài trên những tấm cửa gỗ kéo đẩy. Vì thế, người Nhật rất ngạc nhiên và đặc biệt thích thú. Nhiều người đánh giá, tranh của Saeko đậm phong cách Nhật, thể hiện qua kỹ thuật sơn mài Việt Nam, chị đã khẳng định được một thế mạnh. Không hề dùng sơn công nghiệp nhưng chị biết cách làm cho mầu sắc tươi tắn trên những bức tranh đậm chất Thiền - ý nghĩa mà Saeko đeo đuổi.

Bây giờ thì chị lại bận rộn, vừa sáng tác (nhưng rất lười bán và tiếp thị tác phẩm của mình), cùng với bạn bè dạy sơn mài cho rất nhiều học viên từ nhiều nước tại Công ty Cây Sơn.

Quảng bá về nghệ thuật sơn mài Việt Nam, với chị đã dành một "nhiệm vụ". "Người nước ngoài và cả người Việt Nam nữa, cần hiểu đúng và sâu sắc về nghệ thuật sơn mài truyền thống, chứ không phải sơn mài hàng chợ bóng loáng mà người ta hay mua phải trên phố với những lời chào mời ngọt ngào" - Saeko nói.

Duyên nợ với sơn mài như thế, nên khi lập gia đình với Mark - một kỹ sư xây dựng người Anh từ năm 2001, chị giao hẹn trước đám cưới: Dù mai sau theo chồng đến nước nào, mỗi năm chị vẫn quay về Hà Nội một lần, với những bức tranh sơn mài kỳ diệu vẫn ẩn mình trong niềm đam mê và ước nguyện, chỉ đợi chị về để thức dậy và hiện thân.