Cuốn sách là những hồi ức sống động và dữ dội của cậu bé Michael (chính là tác giả của cuốn sách) về Sài Gòn, Việt Nam trong những năm 1963-1965. Theo cha là nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, Michael cùng mẹ và hai em đã trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ và đầy nguy hiểm tại đây.
Khác xa với nước Mỹ, quê hương cậu, Sài Gòn đẹp nhưng không êm đềm. Đó là một bức tranh tương phản mạnh mẽ với nhiều mảng sáng tối đối lập, luôn ám ảnh tâm trí cậu. Cậu chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng do chiến tranh mà Mỹ gây ra, trong đó có sự tham gia của cha cậu, như vụ đánh bom vào sân bóng mềm, vào một đám cưới của hai người bạn Việt Nam của cậu, vào rạp chiếu phim của binh lính Mỹ…
Dần dần cậu hiểu hơn về cuộc khủng hoảng chính trị, về cuộc chiến tranh đang bao trùm đất nước mà cậu vừa đặt chân đến. Cậu thấy được khao khát tự do và hoà bình của người dân Việt Nam. Và Sài Gòn còn cất giữ những kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu tuổi mới lớn giữa cậu và cô bạn học Samantha.
Sài Gòn gồm 21 chương với cốt truyện đơn giản, nhưng là sự pha trộn giữa đời sống chính trị, đời sống con người đầy xáo trộn và biến động khi đó.
Để bạn đọc có thêm một góc nhìn mới từ một người Mỹ về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, về một Sài Gòn trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức dịch và xuất bản cuốn sách này.
Nhà xuất bản cho biết, viết dưới dạng hồi ký dựa theo trí nhớ và cảm xúc thời niên thiếu của tác giả, nên cuốn sách có nhiều thông tin, địa danh, tên người chưa được kiểm chứng, nhiều đánh giá, nhận định khá cảm tính, chủ quan.
Tôn trọng ý kiến của tác giả, đồng thời bảo đảm mạch chuyện xuyên suốt, trong quá trình biên dịch, Nhà xuất bản cố gắng giữ nguyên những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm cá nhân của tác giả trong cuốn sách này, và đó không phải là quan điểm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.