Hà Giang tập trung xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM đến các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy nội lực trong dân.

Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp đón du khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp người dân ở huyện Cao Lãnh (tỉnh Ðồng Tháp) nâng cao thu nhập. Ảnh: THANH LẠC
Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp đón du khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp người dân ở huyện Cao Lãnh (tỉnh Ðồng Tháp) nâng cao thu nhập. Ảnh: THANH LẠC

Ðến nay, tỉnh đã huy động được gần 590 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó vốn xã hội hóa đạt khoảng 65 tỷ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã hoàn thành 90 km đường bê-tông, mở mới được 75 km đường đất đá và sửa chữa nâng cấp mở rộng hơn 226 km đường. Trong năm nay, Hà Giang đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với 38 xã đã đạt chuẩn NTM; phấn đấu có thêm năm xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 là 43 xã.

Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh sẽ gắn kết quả xây dựng NTM với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm nâng cao ổn định chất lượng đời sống của người dân, không nóng vội, chạy theo thành tích. Ðồng thời, tỉnh tập trung huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, làm kinh tế, nâng cao thu nhập; cùng với đó chú trọng thực hiện các tiêu chí về môi trường, giáo dục. Việc giải ngân các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu xây dựng NTM sẽ được bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

* Đồng Tháp phát triển du lịch nông nghiệp

Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp được tỉnh Ðồng Tháp hướng đến, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Mặc dù du lịch nông nghiệp mới được thực hiện nhưng Ðồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: Khu Ðồng Sen Tháp Mười; vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung; làng du lịch Tân Thuận Ðông; làng hoa Sa Ðéc; làng rau nhút thủy sinh ở Cồn Phú Mỹ; hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự...

Các địa điểm này đã thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm hoạt động. Chỉ tính riêng TP Sa Ðéc, năm 2018 đã thu hút hơn một triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là hơn 40 nghìn lượt. Cùng đó, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh cũng mạnh dạn phối hợp nhiều công ty du lịch lữ hành, xây dựng các chương trình du lịch gắn với hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, hòa đồng với thiên nhiên.

Thời gian tới, tỉnh Ðồng Tháp sẽ xây dựng một số mô hình trình diễn về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp tham quan và trải nghiệm. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với các cơ sở, trang trại, hộ gia đình…; giúp kết nối với các tuyến du lịch, các khu di tích, văn hóa, lịch sử để phát triển hiệu quả du lịch nông nghiệp.