Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết"

NDO -

NDĐT - Sau những phần thi cuốn hút, gay cấn và xúc động, tối 18-4, vòng chung kết Liên hoan "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" năm 2019 đã khép lại với ngôi Hoa hậu thuộc về thí sinh Bế Thị Băng (Cao Bằng). Các giải Á khôi 1 và 2 lần lượt thuộc về các thí sinh Lê Hương Giang (Hà Nội) và Phan Thị Kim Vân (Quảng Nam).

Bế Thị Băng bất ngờ và hạnh phúc trong giây phút được vinh danh Hoa hậu Liên hoan "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" năm 2019.
Bế Thị Băng bất ngờ và hạnh phúc trong giây phút được vinh danh Hoa hậu Liên hoan "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" năm 2019.

Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu của Bế Thị Băng là 30 triệu đồng. Ngoài ra, thí sinh đến từ Cao Bằng còn được trao các giải: Tài năng, Thí sinh được yêu thích nhất.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 1

Thí sinh Nguyễn Thị Huyền (Đác Nông) mở đầu phần thi "Tài năng" với một bài hùng biện đầy cảm xúc có chủ đề "Chim cánh cụt vẫn có thể bay". Từ bé, Huyền đã mơ ước trở thành một diễn giả. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha mẹ lại thường xuyên bệnh tật, cho nên ước mơ ấy đối với cô gái nhỏ bé trên chiếc xe lăn trở nên quá xa vời. Vượt lên trên tất cả những điều đó, cô quyết không đầu hàng số phận. Hiện, Huyền đang là sinh viên năm thứ ba, đồng thời là leader của Câu lạc bộ tình nguyện Ánh Trăng với nhiều hoạt động hướng tới những người nghèo.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 2

Thí sinh Nguyễn Thị Ly mang đến đêm chung kết ca khúc "Khát vọng". Ly sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Năm lên ba tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp đi khả năng đi lại của cô và Ly từng phải bò đến trường trong những năm học tiểu học. Đến nay, Nguyễn Thị Ly đang là chủ một salon chăm sóc sắc đẹp. Cô thường tâm niệm rằng: "Bằng khả năng, nghị lực và sự quyết tâm, người khuyết tật hoàn toàn có thể thành công và khẳng định được chính mình".

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 3

Nguyễn Thị Lệ Thu mất đi một phần cơ thể trong một tai nạn khi đang học tiểu học. Một chiếc máy xúc bỗng lật nhào khi Thu và nhóm bạn nhỏ đang chơi trên bãi đất cao gần nhà. Do phải bế em gái mới tám tháng tuổi trên tay, nên Thu không thể tránh được. Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân lại khiếm khuyết một phần thân thể, nhưng cô gái nhỏ bé quê Bắc Giang chưa bao giờ đầu hàng số phận. Suốt những năm học phổ thông, Thu luôn là học sinh khá, giỏi, nhiều năm là lớp phó học tập. Cô tốt nghiệp đại học với danh hiệu tốp bốn sinh viên có điểm luận văn tốt nghiệp cao nhất Khoa Kế toán.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 4

Thí sinh Bế Thị Băng (Cao Bằng) khiến tất cả những người có mặt tại Liên hoan phải sững sờ với các tiết mục nhảy quyến rũ, bốc lửa ở phần thi Tài năng. Tai nạn giao thông ngày còn nhỏ đã khiến Băng buộc phải cắt bỏ chân phải và khiến cô trở nên tự ti, không dám đối diện sự thật. Nhưng bằng nghị lực, cô tự động viên bản thân rằng, ngày mai sẽ luôn là một ngày khác.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 5

Bằng chất giọng truyền cảm, thí sinh Lê Trang (Bình Dương) đã trình diễn bài hát "Bà mẹ quê". Lê Trang là một cô gái đầy nghị lực, đã lựa chọn thi vào chuyên ngành báo chí - truyền thông khi thị lực chỉ đạt 4%. Cô tâm sự: "Tôi lựa chọn con đường đầy chông gai này đơn giản để tự tạo một mục tiêu, một ước mơ. Và tôi đã thành công với mục tiêu của mình". Những năm qua, Trang từng làm phát thanh viên/biên tập viên truyền hình tại Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, MC dẫn chương trình, thu âm quảng cáo cho nhiều doanh nghiệp, nhân viên marketing truyền thông...

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 6

Lê Hương Giang, nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, tự tin trên sân khấu với bài hùng biện về sự yêu thương. Sinh ra với một mắt hoàn toàn không hoạt động, mắt còn lại của Giang thị lực chỉ còn 1/10 nhưng rồi cũng bị căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác cũng cướp đi ánh sáng khi cô đang học lớp 6. Dù khiếm thị, nhưng cô gái sinh năm 1995 thường tự nhận "vẫn may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác". Do đó, Giang luôn nuôi mơ ước về một xã hội bình đẳng, công bằng hơn, với nhiều phương tiện hỗ trợ hơn, để người khuyết tật luôn tự tin thể hiện tài năng, cống hiến cho đời.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 7

Tại chung kết Liên hoan, cô gái có chiếc răng khểnh Phạm Thị Thắm đã có một bài thuyết trình xúc động "Hành trình tìm lại chính mình". Mười tuổi, Thắm đã sớm phải sống chung với căn bệnh viêm tủy khiến cô liệt hoàn toàn nửa người. Nhà nghèo, thứ gì bán được gia đình đều đã bán cả để chạy chữa cho cô. Thắm đã từng sống khép kín, không dám ra đường, thậm chí trên TV có chương trình gì về người khuyết tật là vội chuyển sang kênh khác. Thế rồi, ước mơ về thiết kế thời trang đã giúp cô vượt qua chính mình. Người bình thường nhấn bàn ga máy khâu bằng chân thì cô thực hiện bằng cùi tay. Hiện tại, Thắm đã có một cửa hàng may riêng và đang tiếp tục con đường hiện thực ước mơ của mình.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 8

Thí sinh Phan Thị Kim Vân kể “Chuyện của Mây” với thông điệp: Hãy viết tiếp ước mơ thay vì ngồi thu mình một chỗ. "Nếu cuộc đời cho tôi được chọn lại, tôi vẫn muốn Vân của hiện tại, luôn có chiếc xe lăn là người bạn tri kỷ nâng bước chân trên mọi chặng đường. Thực tế, tôi là người khuyết tật, sẽ còn đó những trở ngại và cả những thách thức. Nhưng tôi không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình, mọi người đều vô cảm khi nhìn thấy mình. Đi, tiếp tục đi, kiên trì đi, rồi tôi nhận ra tất cả đều là những trải nghiệm thú vị", cô gái Quảng Nam có nụ cười tỏa nắng chia sẻ.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 9

Với các phần thi được đánh giá cao, thí sinh Lê Hương Giang đã giành danh hiệu Á khôi 1 Liên hoan "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" năm 2019 với phần thưởng trị giá 20 triệu đồng.

Phút giây tỏa sáng của những "Vầng trăng khuyết" ảnh 10

Cô gái Quảng Nam, Phan Thị Kim Vân với danh hiệu Á khôi 2 của Liên hoan. Cùng với ngôi vị này, cô còn được vinh danh với nhiều giải thưởng khác như: Thí sinh ứng xử xuất sắc nhất, Thí sinh Thân thiện nhất.