Phum sóc đồng bào Khmer ở Bạc Liêu khởi sắc

NDO - Cùng với đồng bào Khmer Nam Bộ, bà con Khmer ở Bạc Liêu đang chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây theo truyền thống, từ ngày 13 đến 16/4/2024. Tỉnh Bạc Liêu vừa chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp triển khai một số nội dung mừng Tết cổ truyền của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, ý nghĩa...
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) trồng các loại rau thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRỌNG DUY
Nhiều hộ Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) trồng các loại rau thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRỌNG DUY

Theo kế hoạch, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị, địa phương trong tỉnh Bạc Liêu thành lập nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng các vị Sư sãi, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào Khmer. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với đồng bào dân tộc, củng cố và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phum sóc đồng bào Khmer ở Bạc Liêu khởi sắc ảnh 1

Đồng chí Tạ Trung Dũng, Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, tặng quà các vị sư tại các chùa của đồng bào Khmer ở Hồng Dân - huyện vùng sâu của Bạc Liêu.

Đoàn công tác của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu vừa đến thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình và huyện Hồng Dân trao quà cho 300 người dân tộc Khmer; tặng 5 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng cho hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở.

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cũng đã phối hợp Hội Khuyến học tỉnh tổ chức chương trình “Kết nối yêu thương” trao 170 suất học bổng, mỗi suất 1,5 triệu đồng cho học sinh và 140 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng cho hội viên Hội Khuyến học có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào dân tộc Khmer.

Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có hơn 17.000 hộ gia đình người Khmer với hơn 75.000 nhân khẩu, chiếm gần 7,6% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và phát huy hiệu quả.

Phum sóc đồng bào Khmer ở Bạc Liêu khởi sắc ảnh 2

Đồng chí Đỗ Ái Lam, Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu, tặng quà các vị sư tại các chùa Khmer của thành phố.

Chỉ tính trong năm 2023, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và ngân sách đối ứng của địa phương, Bạc Liêu đã giải ngân gần 42 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề… Qua đó, giúp hàng ngàn hộ gia đình Khmer phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ, đời sống của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu ngày một khởi sắc đi lên. Bà con có được cuộc sống như ngày hôm nay phải kể đến tác động rất hiệu quả của các chương trình, chính sách, các dự án đặc thù của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh Bạc Liêu dành cho đồng bào. Thực tế điều này ai cũng đều nhận thấy rất rõ !

Phum sóc đồng bào Khmer ở Bạc Liêu khởi sắc ảnh 3

Dịp Tết Nguyên đán 2024, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Bạc Liêu phối hợp Công ty cổ phần cấp nước Bạc Liêu trao tặng quà cho 100 hộ Khmer khó khăn ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Tô Thanh Phương cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa nghèo bền vững giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm nhạc cụ ngũ âm, đóng mới và sửa chữa ghe ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa.

Nhiều ngôi chùa, các Salatel (nơi để bà con Khmer sinh hoạt văn hóa cộng đồng) trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ sinh hoạt, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc...

Những ngày đầu tháng tư này, chúng tôi có dịp trở lại thăm một số nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống như Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu); các xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long)…..

Về ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi); xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) trong những ngày này, chúng tôi hòa chung niềm vui với nhà nhà chuẩn bị đón Tết. Với ý nghĩa bắt đầu một năm mới, các hộ Khmer ở đây ai cũng phấn khởi sửa sang, trang hoàng lại nhà cửa của mình.

Phum sóc đồng bào Khmer ở Bạc Liêu khởi sắc ảnh 4

Nhiều hộ Khmer ở vùng ven biển thành phố Bạc Liêu nhờ chịu khó lao động sản xuất, xây dựng được nhà mới khá khang trang. Ảnh: TRỌNG DUY

Ông Thạch Phil, người cao tuổi nơi đây, chia sẻ: “Năm 2024 này, phum sóc ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) có nhiều khởi sắc, đời sống từng bước được nâng lên, vì vậy ai cũng phấn khởi chuẩn bị hưởng một cái Tết thật đầm ấm. Dù có làm ăn ở xa thì các con tôi vẫn quay về nhà để sum họp đón giao thừa, cùng nhau trải qua những ngày Tết vui tươi, đầm ấm".

Chúng tôi có dịp đi trên những con đường dẫn về các phum, sóc, được tận mắt ghi nhận sinh khí rộn ràng những ngày mừng năm mới của bà con Khmer nơi đây. Nhìn thấy được cảnh sắc phum sóc hôm nay, cảm nhận rõ sự hiện diện, lợi ích to lớn từ những chính sách dành cho đồng bào dân tộc đã mang về cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn nhiều công trình đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có dịp trở lại các phum sóc của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của các vùng quê. Nhiều phum sóc, nhiều ngôi nhà của đồng bào cách đây hơn 10 năm nghèo khó, lạc hậu thì những ngày đầu tháng 4/2024 này như “khoác trên mình chiếc áo mới”. Những ngôi nhà mới dựng khá khang trang; những con đường nhựa; những ngôi trường mái ngói đỏ tươi; những ruộng rau màu xanh mướt; những tốp học sinh vui tươi, ăn mặc gọn gàng tung tăng đến trường.

Những hình ảnh sinh động đó đã phần nào phản ánh đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu ngày một khởi sắc, đi lên...