Phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

NDO - Ngày 11/7, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Đây là một trong những hoạt động nhằm tham vấn ý kiến của các tổ chức, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học phục vụ công tác xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô và tham mưu các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều ban, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu trong các viện, trường và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại cùng các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Với 5 báo cáo của phiên tọa đàm chính cùng nhiều ý kiến tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã phân tích, làm rõ kết quả đạt được cũng những tồn tại, hạn chế trong tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 của kinh tế Việt Nam, đánh giá tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn.

Nổi bật là, các đại biểu cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung-cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả, thực chất hơn nữa các FTA đã ký kết cũng như sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết các FTA mới nhằm phát triển các thị trường mới, tiềm năng.

Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng hơn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Cùng đó, phải tiếp tục thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; triển khai thực hiện Chiến lược về kinh tế số, xã hội số...

Về cơ chế, chính sách, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; sớm hoàn thiện các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp các bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.